Từ ngày 1-1-2018: Phòng vệ chính đáng hoặc trong tình thế cấp thiết thì không bị xử lý hình sự

ANTD.VN - Cùng với việc quy định hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm, Bộ luật Hình sự (BLHS) còn quy định những trường hợp hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng không bị coi là tội phạm. Kế thừa và phát triển các bộ luật trước, BLHS 2015 đã dành riêng 1 chương quy định về các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự (TNHS). 

Từ ngày 1-1-2018: Phòng vệ chính đáng hoặc trong tình thế cấp thiết thì không bị xử lý hình sự ảnh 1Bộ luật Hình sự 2015 khuyến khích người dân chủ động, tích cực phòng chống tội phạm

4 trường hợp không truy cứu TNHS  theo BLHS năm 1999

Trường hợp được loại trừ TNHS là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội hoặc đe dọa gây nguy hiểm cho xã hội mà pháp luật hình sự đã quy định nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự do không thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm mà cụ thể là các dấu hiệu về lỗi.

BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 đã quy định 4 trường hợp được coi là trường hợp loại trừ TNHS bao gồm: Phòng vệ chính đáng; Tình thế cấp thiết; Sự kiện bất ngờ; Tình trạng không có năng lực TNHS. Đến BLHS năm 2015, quy định các trường hợp loại trừ TNHS được bổ sung thêm 3 trường hợp mới, đó là: Gây thiệt hại trong khi bắt giữ tội phạm; Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ; Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên.

Đi vào xem xét từng trường hợp cụ thể, luật sư Hoàng Huy Được, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, về sự kiện bất ngờ, Điều 20, BLHS 2015 quy định, sự kiện bất ngờ là người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu TNHS. Đây là trường hợp gây ra hậu quả thiệt hại cho xã hội nhưng người có hành vi gây ra hậu quả thiệt hại đó không có lỗi vì họ không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi gây hậu quả thiệt hại. Trong tình huống này, lỗi được xem là cơ sở nhằm xác định hành vi đó có được coi là tội phạm không. Việc chủ thể đã không thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của mình đã gây ra là do khách quan. 

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Một hành vi được coi là phòng vệ chính đáng khi thỏa mãn các dấu hiệu: Có hành vi tấn công đang hiện hữu, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tập thể, tổ chức, của người phòng vệ hoặc của người khác; Hành vi này gây thiệt hại cho người xâm phạm là cần thiết. Tuy vậy, người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (chống trả quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại) vẫn phải chịu TNHS.

Tình thế cấp thiết cũng là một trong những trường hợp loại trừ TNHS, đó là tình thế của người đứng trước sự đe dọa đến một lợi ích được pháp luật bảo vệ. Để bảo vệ lợi ích này, cá nhân đó buộc phải gây một thiệt hại cho một lợi ích khác. Để được loại trừ TNHS, hành vi này phải thỏa mãn các  điều kiện: Có sự đe dọa hiện hữu và thực tế xâm phạm đối với lợi ích được pháp luật bảo vệ; Hành vi gây thiệt hại là biện pháp duy nhất để khắc phục sự nguy hiểm; Thiệt hại gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

 Về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự, Điều 21, BLHS năm 2015 quy định, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì không phải chịu TNHS.

3 trường hợp loại trừ TNHS mới, tiến bộ trong BLHS 2015

Cũng theo luật sư Hoàng Huy Được, gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội là một trong những trường hợp được loại trừ TNHS mới được ghi nhận trong BLHS 2015. Đó là hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ. Việc bổ sung trường hợp này là trường hợp loại trừ TNHS phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Quy định này cũng có tác dụng khuyến khích người dân tích cực, chủ động đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tuy vậy, để được loại trừ TNHS, người có hành vi gây thiệt hại phải thỏa mãn các điều kiện: Hành vi bắt giữ phải thuộc về các chủ thể có thẩm quyền bắt giữ người phạm tội; Hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ phải là biện pháp cuối cùng và cần thiết. 

Một trong những trường hợp loại trừ TNHS mới, tiến bộ được quy định trong BLHS 2015 là rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Đó là hành vi của một người đã gây thiệt hại khi tiến hành, thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa. Việc bổ sung trường hợp này nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, tạo động lực để các nhà khoa học, nhà sản xuất tích cực tìm tòi, phát minh, sáng chế, tạo hành lang pháp lý an toàn để người dân an tâm tham gia vào các hoạt động sản xuất, nghiên cứu khoa học.

Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên là một trường hợp loại trừ TNHS lần đầu tiên được quy định trong BLHS năm 2015. Đây là hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó. Hành vi gây thiệt hại trong trường hợp này không phải chịu TNHS. Việc quy định, bổ sung trường hợp này góp phần đảm bảo tuân thủ tuyệt đối, triệt để nguyên tắc mệnh lệnh - phục tùng trong lực lượng vũ trang nhân dân, đảm bảo tính kỷ luật, sức mạnh của lực lượng này.

Hành vi trên chỉ thuộc trường hợp loại trừ TNHS khi nó thỏa mãn các điều kiện: Mệnh lệnh mà người có hành vi gây thiệt hại thi hành phải là mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; mục đích của việc thi hành là để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; người có hành vi gây thiệt hại đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành…

“Như vậy, BLHS năm 2015 đã chính thức quy định các trường hợp loại trừ TNHS thành một chương với 7 trường hợp cụ thể. Điều này nhằm thống nhất về phạm vi các trường hợp được coi là trường hợp loại trừ TNHS, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Bên cạnh đó, sự thay đổi, cải tiến trên cũng cho thấy tính minh bạch ngày càng cao của BLHS, thể hiện rõ chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước ta nhằm động viên người dân tự bảo vệ mình hoặc tham gia ngăn chặn tội phạm, tích cực sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống”, luật sư Hoàng Huy Được nhận định.

Từ ngày 1-1-2018: Phòng vệ chính đáng hoặc trong tình thế cấp thiết thì không bị xử lý hình sự ảnh 2

“Bộ luật Hình sự năm 2015 đã chính thức quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự thành 1 Chương với 7 trường hợp cụ thể. Điều này nhằm thống nhất về phạm vi các trường hợp được coi là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới. Bên cạnh đó, sự thay đổi, cải tiến trên cũng cho thấy tính minh bạch ngày càng cao của Bộ luật Hình sự, thể hiện rõ chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước ta nhằm động viên người dân tự bảo vệ mình hoặc tham gia ngăn chặn tội phạm, tích cực sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống”.  

Luật sư Hoàng Huy Được (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội)