Từ Internet đến bệnh viện tâm thần

ANTD.VN - Suốt ngày cắm mặt vào máy tính để cày game hoặc khoe chiến tích trên facebook, rất nhiều thanh niên đã rơi vào trạng thái trầm cảm và gia đình buộc phải đưa đi điều trị tại bệnh viện tâm thần.

Tuy nhiên, trước khi nhận biết được chính xác tình trạng bệnh lý của con em mình, nhiều bậc phụ huynh đã phải hối tiếc bởi những “con nghiện” game đã có những hành vi không thể lường trước. Đó là khuynh hướng tự sát vì chán nản hay mất niềm tin vào cuộc sống.

Tự sát vì… chán sống

Trong số những bệnh nhân được đưa vào điều trị tại Bệnh viện tâm thần Trung ương I thì những người có nguồn gốc bệnh xuất phát từ nghiện Internet luôn được các bác sỹ dành cho ưu ái. Sở dĩ có “đặc ân” này là bởi các bác sỹ đều hiểu bệnh nhân đa phần là thanh niên trẻ tuổi, do đó họ còn tương lai rộng mở trước mặt.

Từ Internet đến bệnh viện tâm thần ảnh 1Bệnh viện tâm thần Trung ương I

Ngoài ra ra căn bệnh này có khả năng chữa trị thành công khá lớn. Một lý do nữa là những người tâm thần vì nghiện internet không giống với những người tâm thần khác. Họ thường có khuynh hướng tự sát nên việc chữa trị phải hết sức khẩn trương để hạn chế tối đa những hậu quả xấu.

Nguyễn Đức P quê ở Tiền Hải, Thái Bình vốn là một chàng trai thông minh và học lực thuộc loại khá của trường Đại học Ngoại Thương. Đang học dở năm thứ 2, không hiểu do bị lôi kéo hay do rảnh rỗi mà bỗng dưng P bỏ bê mọi việc từ học hành cho tới các mối quan hệ bạn bè để suốt ngày “ngồi đồng” bên máy tính.

Bẵng đi hơn gần 1 năm trời, gia đình thấy P không về, cũng không liên lạc điện thoại, bố của P lo lắm. Hỏi qua bạn học thì gia đình được biết P gần như không đến lớp mà suốt ngày chỉ ăn ngủ tại quán game. Lập tức có mặt tại Hà Nội đê thăm con, ông Nguyễn Đức T không nhận ra cậu con trai của mình bởi hiện tại P gày như xác ve, mặt tóp lại, quần áo cáu bẩn và mắt trũng sâu vì thiếu ngủ.

Tuy nhiên, điều khiến ông T kinh ngạc hơn cả là tính tình P thay đổi hoàn toàn. P lơ nga lơ ngơ, dửng dưng với mọi thứ xung quanh và lúc nào trái ý là cậu nổi khùng hoặc cáu bẳn. Ngay cả khi gặp người cha đã xa cách gần 1 năm trời P cũng nhìn ông như nhìn người lạ. Nghĩ cứ buông lỏng cậu quý tử thế này thì hỏng, ông T - với cách hành xử điển hình của một người cha vốn nóng tính và cứng rắn - bèn xin nhà trường bảo lưu  kết quả học tập cho con và lôi tuột P về quê để gia đình… tập trung giáo dục.

Kết quả là sau 2 ngày về nhà, P cắt cổ tay tự sát dù chẳng có lý do rõ ràng nào. May mắn phát hiện ra đưa con đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, ông P được các bác sỹ hỏi han rồi tư vấn nên đưa P đến Bệnh viện tâm thần Trung ương I để điều trị tâm lý. Thế nhưng, mới điều trị được 2 tuần thì ông T nằng nặc đòi cho con mình ra viện vì ông không thể tin là chỉ vì chơi game mà người ta có thể bị… điên.

Mặc dù đã can ngăn hết lời, nhưng trước quyết tâm của người cha, các bác sỹ đành chịu. Tuy nhiên, chỉ 1 tuần sau, người ta lại thấy ông T van nài bệnh viện cho con mình quay lại điều trị tiếp. Lý do là sau khi xuất viện, P rắp tâm thực hiện ý đồ du hành sang… thế giới bên kia bằng cách tiếp tục tự cắt tiết chính mình. Ở Bệnh viện tâm thần Trung ương I, những ca bệnh như P không hiếm.

Thiếu sự quan tâm

Trao đổi về căn bệnh của thời đại số này, Bác sỹ La Đức Cương - Giám đốc Bệnh viên tâm thần Trung ương I cho biết, trường hợp của bệnh nhân P là điển hình của bệnh trầm cảm. Qua nghiên cứu được biết P là game thủ giỏi nhất trong trò chơi online mà cậu ta đang tham gia.

Trong game, P không còn đối thủ và hàng ngày được các game thủ khác ca tụng trên facebook nên P không còn mục tiêu nào để chinh phục nữa. Do đắm chìm trong thế giới ảo quá lâu, điều này khiến P hụt hẫng, thất vọng. Có những ngày P mở máy tính rồi ngồi bất động nhìn trừng trừng vào màn hình. P nghiện game, nghiện cả chỗ ngồi cố định tại quán internet trong suốt 1 năm qua. Nhưng chính game cũng không thể thỏa mãn được cơn nghiện của cậu. Vậy là P suy sụp, chán chường và quyết định tự sát để giải thoát.

Từ Internet đến bệnh viện tâm thần ảnh 2Một bệnh nhân đang điều trị bệnh tâm thần do trầm cảm

“Nhưng bị kịch ở chỗ, chính người thân của cậu ta lại không chịu thừa nhận con em mình đã rơi vào trạng thái tâm thần. Hầu hết người ta không thể hiểu nổi tại sao chỉ chơi game mà có thể phát điên như vậy. Do đó, biện phát duy nhất các gia đình thường áp dụng là lôi con em về để giam lỏng. Chỉ đến khi hậu quả xảy ra thì họ mới cuống cuồng tìm đến bác sỹ” - bác sỹ Cương nói.

Cũng theo bác sỹ La Đức Cương, các tranh chấp trong game online giống như một thứ Doping gây kích thích rất mạnh nên lúc chơi không ai thấy mệt. Thế nhưng khi chơi xong thì tất cả đều rã rời cả thể xác lẫn tinh thần vì vậy dẫn đến bỏ bê công việc. Người ta đã tính toán để chơi game trong 30p còn mệt hơn làm việc và học tập trong 3h. Đó là lý do người nghiện game luôn lờ đờ, bồn chồn, mất ngủ và dẫn tới trầm cảm.

Theo một nghiên cứu sơ bộ của Bệnh viện tâm thần Trung ương I thì tỷ lệ nghiện game trong độ tuổi từ 15 đến 24 dẫn tới hậu quả là tâm thần lên tới 96%. Trong đó nguyên nhân nghiện do bản thân người nghiện tự tìm để chơi chỉ chiếm 7,5%, do bạn bè rủ rê là 22%, hơn 70% còn lại là do bố, mẹ và gia đình cho phép hoặc không có ý kiến. Điều này cảnh báo mối nguy hiểm dẫn đến nghiện game từ sự chiều chuộng, buông lỏng trong giáo dục của chính các bậc cha mẹ.