Tự hào một thời gian lao và anh dũng

ANTĐ - Đó là cảm xúc chung của những CBCS Công an Hà Nội đi chi viện chiến trường B, C, K đọng lại mãi đến ngày hôm nay. Gần 10 năm cống hiến tuổi xuân cho các chiến trường, nhiều người đã nằm lại, nhiều người đã ra đi theo quy luật tự nhiên, nhưng mỗi lần gặp nhau họ lại bồi hồi cảm xúc nhớ về một quá khứ bi thương nhưng rất đỗi hào hùng ấy.

Tự hào một thời gian lao và anh dũng ảnh 1Tiễn cán bộ chiến sỹ Công an Thủ đô lên đường chi viện các chiến trường (ảnh tư liệu Bảo tàng Công an Hà Nội)

Hừng hực khí thế chia lửa với miền Nam

Trong 10 năm từ năm 1965-1975, TP Hà Nội đã tiến hành 29 đợt tuyển quân với 262.972 thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ, đồng thời huấn luyện 119 tiểu đoàn tăng cường cho các chiến trường, động viên 8,9 vạn thanh niên, quân dự bị bổ sung cho các quân binh chủng và chi viện cho các chiến trường. Hàng vạn thanh niên xung phong, hàng nghìn gia đình có 2-3 con đi bộ đội, nhiều gia đình có con trai độc nhất cũng xung phong tình nguyện nhập ngũ. Trong số đó là hàng nghìn cán bộ chiến sỹ Công an Thủ đô đã chi viện cho chiến trường B, C, K (mật danh của chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia), hòa cùng với các thế hệ công an miền Bắc chia lửa với miền Nam. Phần lớn trong số họ được bố trí vào lực lượng an ninh khu V gồm 9 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và nhờ thế lực lượng an ninh miền Nam đã phát triển thành hệ thống tổ chức từ Trung ương cục đến khu, tỉnh và các huyện, xã. 

Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, những cán bộ chiến sỹ của Công an Hà Nội chi viện cho các chiến trường đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, thông minh, sáng tạo; Phối hợp xây dựng lực lượng chính trị, phát động quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp của Mỹ - ngụy, diệt ác, trừ gian, bảo vệ căn cứ cách mạng; làm trong sạch địa bàn, bóc gỡ mạng lưới tình báo, gián điệp, nội gián của địch, bảo vệ các cơ quan của Đảng, căn cứ cách mạng, bảo vệ lực lượng vũ trang, kho tàng vũ khí, đạn dược, các trận địa, mục tiêu, cơ sở kinh tế, quốc phòng; Tích cực, chủ động nắm chắc tình hình địch; bám sát cơ sở, vận động quần chúng, chống các hoạt động tình báo, gián điệp; Trấn áp, trừng trị số đối tượng ác ôn, có nợ máu, ngoan cố chống phá cách mạng, phục vụ có hiệu quả các chiến dịch quân sự; Làm thất bại kế hoạch dồn dân lập ấp chiến lược, đẩy mạnh diệt ác phá kìm, mở rộng vùng giải phóng, góp phần giải phóng nhân dân khỏi ách kìm kẹp của địch; Xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng. 

Vượt qua muôn vàn khó khăn

Đã hơn 40 năm kể từ ngày những đoàn quân của cán bộ chiến sỹ Công an Thủ đô đi chi viện các chiến trường, nhưng hôm nay gặp lại Đại tá Nguyễn Văn Thạnh, nguyên Trưởng CAQ Đống Đa, Hà Nội - Trưởng ban liên lạc cán bộ chiến sỹ Công an Hà Nội chi viện chiến trường B, C, K, câu chuyện của ông kể dường như mới chỉ hôm qua. Đó là vào năm 1967, khi biết tin chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông cùng các đồng đội đã hăng hái xung phong lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi đó, ông là cán bộ của Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ với nhiệm vụ chống gián điệp, phản động Pháp - Mỹ của Sở Công an Hà Nội. Thủ trưởng đơn vị không đồng ý vì nhà ông lúc này rất khó khăn, đông con nhưng với ý chí của một người đảng viên ông vẫn thuyết phục chỉ huy đơn vị được tham gia chi viện cho chiến trường. 

Vào trận tuyến mới thấy thực sự gian nan, khó khăn không sao kể xiết. Với nhiệm vụ tổng hợp tình hình địch lấn chiếm, diệt ác, phá kìm cho khu V, tổ công tác của Đại tá Nguyễn Văn Thạnh thường xuyên phải di chuyển qua 9 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Buôn Mê Thuột - Đắk Lắk, nhưng điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, nhiều khi đi từ Quảng Nam đến Đắk Lắk chỉ được khu cấp... 6 bò gạo. Đó là khi đi qua những vùng chưa được giải phóng, quân địch chặn đường, để đảm bảo bí mật, tổ công tác phải đóng giả nhiều vai khác nhau, đổi quần áo để lấy gạo ăn. Dù rất vất vả nhưng đi đến đâu các cán bộ chiến sỹ cũng nhận được sự bao bọc của nhân dân.

Ông Thạnh kể: “Có lần tổ công tác cải trang đi công tác qua nhà dân vào ban ngày, không phát hiện có một nhóm thám báo của địch đi phía sau. Rất may mắn, nhân dân đã phát hiện ra nhóm thám báo này và đánh động tổ công tác. Do đó, chúng tôi đã nhanh chóng bố trí lực lượng ẩn nấp và tình huống đó, nếu chỉ chậm vài phút thì cả tổ đã rơi vào tay giặc”. 

Ông Thạnh tâm sự, khi vấp phải những khó khăn với sự quyết tâm, ý chí của người cộng sản đã khiến ông và những người đồng đội vượt qua được tất cả.

Tự hào một thời gian lao và anh dũng ảnh 2Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung chúc mừng đồng chí Nguyễn Đình Thành- nguyên Giám đốc CATP Hà Nội

Trở về với đời thường

40 năm cuộc chiến đã đi qua, trong những đoàn quân năm ấy người còn người mất, ai trở về sau chiến thắng lại tiếp tục cống hiến sức mình cho lực lượng CAND. Những người lính năm xưa giờ đây mắt đã mờ, chân đã chậm, nhưng ký ức của một thời hào hùng thì vẫn như câu chuyện mới của ngày hôm qua. Ngày 11-4 hàng năm, hơn 300 cán bộ chiến sỹ đã từng chi viện cho chiến trường B, C, K lại có dịp gặp nhau cùng ôn lại những tháng năm đầy gian khổ, hy sinh song rất đỗi tự hào được cùng quân dân cả nước “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vì mục tiêu cao cả: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

Đại tá Nguyễn Văn Thạnh cho biết, hơn 300 cán bộ chiến sỹ Công an Hà Nội chi viện cho các chiến trường được chia thành 15 tổ sinh hoạt thường xuyên. Được sự quan tâm của Đảng ủy Ban Giám đốc CATP, ngày 11-4 hàng năm, CATP Hà Nội đều tổ chức gặp mặt để tri ân các thế hệ đi trước.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội  cho rằng, trong suốt 20 năm kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ CAND đã không quản nguy hiểm, gian khổ, dũng cảm, mưu trí trước mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, luôn giữ vững khí tiết và niềm tin tuyệt đối với Đảng, kiên quyết đấu tranh giành độc lập dân tộc. Giờ đây nhiều người không còn nữa song những người đồng đội hôm nay tiếp tục là những người chiến sỹ trung kiên trên mặt trận đấu tranh đảm bảo an ninh, trật tự, sát cánh cùng các thế hệ Công an Thủ đô, một lòng vì sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia.