Tự do ngôn luận phải theo khuôn khổ của pháp luật

ANTĐ - Liên quan đến vấn đề Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cho phép các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước được thành lập báo chí, trong khi đang cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhận định: “Chúng ta không nói báo chí tư nhân, nhưng trong thực tế nếu cho phép các Tổng công ty Nhà nước và ngoài Nhà nước thành lập báo chí, đó chính là báo chí ngoài công lập”.

Tự do ngôn luận phải theo khuôn khổ của pháp luật ảnh 1 Ông Lê Như Tiến

-PV: Khi đang cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, liệu có mâu thuẫn khi chúng ta không thừa nhận báo chí tư nhân, nhưng lại cho Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước được quyền thành lập báo chí, thưa ông?

- Ông Lê Như Tiến: Thật ra, chúng ta không nói báo chí tư nhân nhưng trong thực tế nếu cho phép các Tổng công ty Nhà nước và ngoài Nhà nước thành lập báo chí, đó chính là báo chí ngoài công lập. Cũng giống như trường học gồm trường công lập và ngoài công lập. Tôi ủng hộ việc này vì nó chia sẻ khó khăn cho Nhà nước, mà người dân cũng được tiếp cận nhiều thông tin, nhưng không phải dùng nhiều ngân sách Nhà nước để trang trải cho các cơ quan báo chí.

- Theo ông, làm như vậy có trái với quy hoạch báo chí hiện nay?

- Không thừa nhận báo chí tư nhân với tư cách là cá nhân đứng ra, còn tổ chức thì khác. Vì thế, luật ghi rõ, đối tượng được thành lập cơ quan báo chí vẫn giữ nguyên theo luật hiện hành, nhưng bổ sung thêm các đối tượng được thành lập các tạp chí khoa học như: cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài công lập; tổ chức nghiên cứu khoa học; tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới Viện hàn lâm, Viện theo quy định của Luật Khoa học công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên; các cơ sở khoa học công nghệ tư thục có đầu tư của nước ngoài được phép ra tạp chí, chứ không phải báo chí nói chung và chỉ được phép thành lập tạp chí chuyên ngành; báo chí nói chung phải do các tổ chức chính trị - xã hội thành lập.

Xu hướng chung của luật này là không thừa nhận báo chí tư nhân có nghĩa là cá nhân đứng lên để làm báo. Còn tổ chức xã hội, trường học, bệnh viện thì được. Như vậy, quy định đối tượng được thành lập đã được mở rộng hơn so với luật trước đây. Theo tôi, bên cạnh tạo điều kiện cho báo chí phát triển thì các cơ quan quản lý Nhà nước và luật cũng phải có yêu cầu phù hợp để quản lý báo chí được tốt hơn.

 - Ông nhận định như thế  nào về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), ở góc độ là người tham gia thẩm tra dự thảo luật?

- Điểm nổi bật nhất của dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) là cụ thể hóa Hiến pháp 2013. Đó là quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Hiến pháp 2013 nói rõ mọi công dân đều có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí. Luật này phải thể hiện cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhưng vấn đề là, phân biệt được quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí là như thế nào? Nhà báo có quyền tự do đối với hoạt động báo chí, nhưng quyền của công dân hoạt động tự do trên báo chí thì ra sao? Bên cạnh đó tự do báo chí hoặc tự do hoạt động báo chí cũng phải làm rõ hơn.

Hiện chúng ta có 845 cơ quan báo chí, dư luận cũng cho rằng như vậy là nhiều nên cần sắp xếp, rà soát lại cho phù hợp, tránh trùng lặp thông tin, lãng phí nguồn lực và cạnh tranh thiếu lành mạnh. Tôi cho rằng, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí nhưng phải theo khuôn khổ của pháp luật, chứ không có nghĩa tự do báo chí vô giới hạn.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!