Tự đẩy mình xuống hố

ANTD.VN - Không hiếm những thương hiệu đang nổi như cồn đã tự hủy diệt vì làm giả chính hàng hóa của mình. 

Cách nay gần 10 năm, khóa Minh Khai - một sản phẩm uy tín của Hà Nội đã vấp ngã đau đớn khi bị phát hiện sản xuất khóa Minh Khai nhưng ruột là sản phẩm khóa có xuất xứ từ Trung Quốc! Giám đốc công ty này đã thừa nhận nhập về hàng chục nghìn sản phẩm khóa Trung Quốc, in sẵn nhãn mác “khóa Minh Khai”, cho đóng vỏ hộp khóa Minh Khai rồi bán ra thị trường... 

Trong vụ khóa Minh Khai, cơ quan chức năng đã phát hiện ra vi phạm của doanh nghiệp, còn ở vụ việc mới bùng nổ mấy ngày nay, khách hàng mới là người phanh phui ra hành vi gian lận của khăn lụa Khaisilk “made in China”. Khách hàng, dư luận đau đớn, phẫn nộ vì họ đã tin tưởng, bỏ số tiền lớn mua một sản phẩm thuần Việt như để duy trì, lưu giữ một nét văn hóa của dân tộc thì nay mới vỡ lẽ bị lừa suốt mấy chục năm.

Xuất phát điểm của hành vi đánh lận con đen, lừa dối khách hàng đơn giản là lợi nhuận kếch xù. Mỗi ổ khóa Trung Quốc dán nhãn Minh Khai với hàng chính hãng chênh nhau tới vài chục nghìn đồng, cứ thế nhân lên với hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn sản phẩm… thì sẽ ra số tiền thu lợi bất chính.

Với khăn lụa Khaisilk, số tiền chênh này là bao nhiêu 1 sản phẩm? Hệ thống Khaisilk đã bán ra bao nhiêu nghìn chiếc khăn trong mấy chục năm qua? Cái này chắc chỉ có Khaisilk mới tính toán được nhưng hệ lụy từ vụ việc vừa qua là khó có thể đo đếm. Không chỉ thiệt hại rất lớn về kinh tế, uy tín thương hiệu, Khaisilk nhiều khả năng còn phải đối diện với những vấn đề pháp lý sau khi cơ quan chức năng nhập cuộc và người tiêu dùng tiếp tục theo đuổi vụ việc tới cùng.

Một thương hiệu lớn được xây dựng trong hàng trăm năm với tâm sức của nhiều thế hệ có khi sụp đổ trong vài giờ. Sự suy tàn có thể đến từ nhiều yếu tố trong bối cảnh cạnh tranh thương trường ngày càng khốc liệt. Thế nhưng, tự làm giả hàng hóa của chính mình, phản bội lại người tiêu dùng - những khách hàng đã mấy chục năm nuôi nấng, chăm bón cho thương hiệu của mình - thì khác nào “đóng cửa, đốt nhà”, là kiểu tự sát mà đạo đức kinh doanh cũng như quy định pháp luật không cho phép!

Trách nhiệm trong những vụ việc như thế này luôn thuộc về ông chủ doanh nghiệp. Chúng ta không thể tin vào câu chuyện “thiếu giám sát” hay “lơ là quản lý”… để xảy ra sơ sót. Không người làm công nào dám tự ý đưa vào những thứ hàng giả như vậy vào hệ thống nếu không nhận được mệnh lệnh rõ ràng từ ông chủ. Đáng tiếc, thiệt hại về thương hiệu và doanh số không chỉ mình ông chủ gánh chịu. Hàng trăm, hàng nghìn người lao động, thậm chí cả một thành phố, một quốc gia cũng có thể chao đảo khi một thương hiệu lớn lung lay…

Đạo đức kinh doanh không phải điều gì mơ hồ. Nó là lằn ranh giới đỏ, là tiếng chuông báo động để cảnh tỉnh các ông chủ doanh nghiệp không rơi vào chiếc hố của lòng tham. Đáng tiếc, không ít người vẫn bịt tai, bịt mắt, bất chấp mọi thứ, tự nhảy xuống hố chỉ vì muốn có nhiều tiền hơn…