Từ cô hàng xén đến nữ chiến sỹ cách mạng kiên trung

ANTD.VN - Bà Mai Thị Vũ Trang (tên thật là Mai Ngọc Thuyết) đã sớm tham gia hoạt động cách mạng và trở thành một trong những nữ đảng viên đầu tiên của Đông Dương cộng sản Đảng. Cùng với anh trai là Mai Lập Đôn, bà có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tôi đã đến nhà con gái bà là Nguyễn Thị Hồng Tuyến - cán bộ tiền khởi nghĩa (hiện ở phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) để tìm hiểu tư liệu mà gia đình còn lưu giữ.

Đi theo tiếng gọi của Đảng

Bà Mai Ngọc Thuyết sinh năm 1908 ở ngõ Thịnh Hào (nay thuộc phường Hàng Bột, quận Đống Đa). Bố mất sớm khi bà chưa đầy 5 tháng, rồi mẹ mất khi bà mới 16 tuổi, hai anh em Mai Lập Đôn, Mai Ngọc Thuyết đùm bọc nhau ở nhà số 8 Ô Chợ Dừa (nay là 319 phố Tôn Đức Thắng). Đây là địa điểm do ông Đôn thuê để vợ chồng ông và em gái vừa ở, vừa làm địa điểm liên lạc thuận tiện của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Theo sự chỉ bảo của anh trai, bà Mai Ngọc Thuyết bỏ việc thêu ren, ở nhà bán diêm, thuốc lào, chè nước… để canh gác. Bà còn  làm thơ tuyên truyền và giấu anh trai, tự mua mực về in truyền đơn. Sau đó, ông Đôn đã từng bước dìu dắt em gái vào con đường cách mạng, giao nhiệm vụ đi  rải truyền đơn ở thị xã Hà Đông.

Tháng 10 năm 1928, bà được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, lấy tên là Mai Thị Vũ Trang. Làm giao thông liên lạc của Kỳ bộ thanh niên Bắc kỳ, bà hóa trang như con gái nhà giàu đi buôn bán vải tấm, đóng kiện hàng, lên tàu hỏa chạy chuyến đêm, đưa thư và truyền đơn vào Thanh Hóa, Nghệ An an toàn. Năm 1929, bà  được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Sau đó, bà được đồng chí Đỗ Ngọc Du, phụ trách công tác giao thông, tài chính của Xứ ủy Bắc kỳ giao nhiệm vụ xuống Hải Phòng nhận vũ khí đưa về Hà Nội.

Bà mua vé lên toa hạng nhất (première) chuyên dành cho quan Tây và công chức cao cấp để che mắt địch, đáp tàu  xuống Hải Phòng, đến nhà cơ sở nhận súng đạn. Hồi ký còn ghi lại chi tiết rất thú vị tâm trạng của ông Nguyễn Đức Cảnh khi bà về tới số nhà 5D Hàm Long: “Tôi đặt phịch vali xuống nhà. Anh Cảnh giật mình nhỏm dậy mừng quá: “Trang về đấy ư?”. Mọi người cùng xô lại. Lúc này tôi mới biết, khi xuống tàu, tôi ra cửa Premier cho người đi vé hạng nhất, còn anh Cảnh ra cửa Quartriem cho người đi vé hạng tư, anh không nhìn thấy tôi nên rất lo lắng. Các anh bảo, phen này mà mất cô Trang thì cậu Cảnh chết”.

Từ cô hàng xén đến nữ chiến sỹ cách mạng kiên trung ảnh 2Nhà số 5D phố Hàm Long - nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam (3-1929)

Nên duyên vợ chồng 

Những năm 1928-1929, Kỳ bộ thanh niên Bắc kỳ chủ trương đưa các hội viên  đi “vô sản hóa”. Anh em ông Mai Lập Đôn, Mai Thị Vũ Trang và ông Khuất Duy Tiến được điều xuống Nam Định. Bà được ông Trần Văn Lan (bí danh là Giáp cóc) đưa vào nhà máy sợi  học nghề, sau lại chuyển sang nhà máy tơ. Lần đầu tiên, bà chứng kiến cảnh người thợ bị bọn chủ bóc lột, ăn chặn, đánh đập mà “vẫn đói vàng mắt”. Có khi không còn đồng xu nào đong gạo, bà vẫn phải đi làm từ 6h đến 18h, uống nước cầm hơi 4 ngày liền. Không nản lòng, bà đã tuyên truyền và tổ chức được Hội Tương tế trong phân xưởng sợi. Mọi người trích quỹ của Hội mua báo Phụ nữ Tân văn. Từ những hạt giống đỏ, đầu năm 1930, công nhân nhà máy sợi đã bãi công chống chủ đánh đập, cúp phạt, đòi tăng lương và phụ cấp, đòi thực hiện ngày làm 8 giờ và cuối cùng giành thắng lợi 

Trong những ngày đi “vô sản hóa”, ông Nguyễn Văn Mẫn, quê ở Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang) đã cảm mến bà. Họ cùng nhau tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng mười Nga ngày 7-11-1929, rải truyền đơn ở ngã sáu Nam Định. Bọn địch treo thưởng 5.000 đồng bạc Đông Dương cho ai bắt được bà. Trong hoàn cảnh đó, các đồng chí cùng hoạt động đứng ra tác thành cho 2 ông bà. Nhiều năm sau, trong hồi ký, bà xúc động kể lại: “Gọi là cưới nhưng chỉ có các đồng chí Hới, Phiếm Chu, Ba Ngọ và chúng tôi cùng ngồi nói chuyện với nhau một buổi tối”. Xa gia đình, nhưng tình cảm đồng chí ấm áp trong buổi thành hôn là kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ, sâu sắc trong tâm khảm bà. 

Từ cô hàng xén đến nữ chiến sỹ cách mạng kiên trung ảnh 3Báo Cờ Giải Phóng, Cứu quốc - những tờ báo cách mạng do bà Mai Ngọc Thuyết tổ chức bí mật phân phát

Kiên cường con đường cách mạng

Tổ chức bố trí cho bà quay về Hà Nội ở trong hiệu thuốc lào Thuận Mỹ số 15 Hàng Nón, đây vốn là cơ sở của Công hội đỏ Bắc kỳ. Về sau do địch đánh hơi biết bà đang ở Hà Nội nên đến tháng 7-1930 bà phải lánh lên Bắc Giang, nương náu ở gia đình nhà chồng. Từ đây, bà lấy tên khác là Hoàng Kỳ để hoạt động. Tháng 10-1931, trên đường đi công tác ở Yên Thế, ông Mẫn đã bị địch bắt rồi bị kết án khổ sai đày ra Côn Đảo. Khi ấy, con gái Hồng Tuyến của ông bà mới  4 tháng tuổi.  

Nuốt nước mắt vào lòng, bà làm căn nhà tranh nhỏ ở ngã ba phố Tiền Môn (nay là số nhà 206, đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bắc Giang) để sinh sống và tìm cách bắt liên lạc với tổ chức Đảng. Gặp được đồng chí Nguyễn Văn Giảng từ Thanh Hóa về Bắc Giang và ông Nguyễn Trung Tẩy vốn là bạn học cùng chồng, bà bàn bạc lập tổ tự động công tác. Đến năm 1935, cơ sở cách mạng đã được gây dựng và lan dần trong các tầng lớp trí thức, nhân dân trong thị xã. Những năm 1936-1937, nhiều đồng chí từ Côn Đảo trở về do Mặt trận bình dân Pháp có chính sách ân xá tù chính trị, nhưng riêng chồng bà bị Thống sứ Sa-ten bác đơn tha tù. Năm 1938, bà gặp được đồng chí Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) tại Bắc Ninh và đến cuối năm thì Chi bộ đầu tiên của thị xã Phủ Lạng Thương được thành lập gồm: Bí thư Vương Văn Trà và các đồng chí Mai Ngọc Thuyết, Nguyễn Ninh, Nguyễn Văn Lung, Ngô Tuấn Tùng, Nguyễn Văn Giảng.

Thời gian này, đồng chí Hạ Bá Cang lấy Bắc Giang làm địa bàn hoạt động, cơ sở cách mạng từ thị xã phát triển dần lên Tân Ấp, Lục Liễu, chợ Thắng (Hiệp Hòa). Đường dây liên lạc đã được bà Mai Ngọc Thuyết thiết lập từ Tân Ấp, Lục Liễu về Hà Nội để đồng chí Hạ Bá Cang liên lạc với đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ. Những năm 1936-1939, bà và cán bộ cơ sở thị xã Bắc Giang đã nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ như: Hạ Bá Cang,Tô Hiệu, Trần Quốc Hoàn, Lê Hoàng… tạo thuận lợi cho công tác xây dựng an toàn khu của Đảng.

Tháng 9-1939, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng, đồng chí Hạ Bá Cang rút sang Thái Nguyên, một số đồng chí trong chi bộ thị xã được điều đi công tác nơi khác, riêng bà Mai Ngọc Thuyết ở lại sinh hoạt với chi bộ Hương Gián. Tháng 4-1941, bà bị địch bắt đưa về Hỏa Lò với số tù 258750. Suốt hơn 1 năm bị tra tấn tàn ác, ép cung, đối chất với kẻ chỉ điểm, bà vẫn  kiên trung bảo vệ Đảng. Các đồng chí trong Hỏa Lò vô cùng kính phục bà, đồng chí Trần Đăng Ninh  khi đó là Bí thư Chi bộ nhà tù đã có sự chỉ đạo đấu tranh với địch để bảo vệ bà. 

Tháng 8-1942, bà được ra tù nhưng bị quản thúc ở Kép thì nhận được tin chồng hy sinh ở Côn Đảo. Giữa năm 1943, bà tìm cách về thị xã, mở lại quán hàng ở ngã ba Tiền Môn để làm trạm liên lạc, đón tiếp, nuôi giấu các đồng chí từ nhà tù Sơn La trốn thoát ra, phân phát bí mật báo Cờ giải phóng, Cứu quốc ở thị xã và các vùng nông thôn.

Tháng 4-1945, bà và con gái được tổ chức cho chuyển lên Yên Thế hoạt động. Đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh phân công bà phụ trách Tổng Bố Hạ gồm bốn xã: Cồn, Bo, Hương Vĩ, Bố Hạ. Ngày 10-8-1945, đồn Bố Hạ bị phá tan, bà đeo súng dẫn đầu đoàn quân chiến thắng. Sáng 21-8, bà dẫn đầu khối tự vệ từ Bố Hạ rầm rập vượt sông tiến vào thị xã giành chính quyền và được cử làm Ủy viên Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, phụ trách công tác tuyên truyền. Làm Tỉnh ủy viên tỉnh Bắc Giang, Bí thư Phụ nữ Cứu quốc, rồi làm Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bắc Giang, cán bộ Tòa án nhân dân tối cao, bà Mai Ngọc Thuyết đã dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho cách mạng, là người nữ cán bộ xuất sắc của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.