Tự chủ và tự chọn

ANTĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015, trong đó lồng ghép việc xét tuyển đại học, cao đẳng đã khép lại sau khi gây ra nhiều bức xúc cho cả thí sinh lẫn phụ huynh. Giới truyền thông cũng như chuyên gia trong ngành giáo dục đã tốn không ít thời gian, giấy mực để phân tích, đánh giá những “quả chắc, quả lép” thu hoạch được. 

Thời gian đã đủ độ lắng để nhìn nhận, kết luận phương án tuyển sinh năm 2015 cơ bản là hợp lý, chỉ cần điều chỉnh “kỹ thuật” để hoàn thiện. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT lại có chủ trương điều chỉnh theo hướng cho phép các trường tự tuyển sinh vào năm 2016.

Đón nhận thông tin nóng hổi này, đại diện các trường đại học lớn ở Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ... đã có những ý kiến trái chiều. Đó là các trường được quyền tự chủ tuyển sinh; thí sinh có nhiều nguyện vọng xét tuyển, có thể đăng ký một ngành ở nhiều trường khác nhau thay vì đăng ký một trường với 4 ngành như năm nay. Đặc biệt, nhóm trường tốp trên vốn có sức hút mạnh với thí sinh  có thể tự nguyện phối hợp, liên kết để tuyển sinh bằng phần mềm và cơ sở dữ liệu chung.

Với một số trường  “ế ẩm”,  chỉ tuyển được vài chục thí sinh, Bộ GD-ĐT chủ trương chuyển đổi ngành đào tạo hoặc giải thể, sáp nhập nhằm sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và giải tỏa nhu cầu “đói” lao động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có nhiều câu hỏi được chính các trường đại học đặt ra nếu cho phép họ tự liên kết tuyển sinh. Cụ thể, đâu là ranh giới để lựa chọn 30 trường tốp đầu? Mở rộng cửa cho thí sinh được tự do đăng ký xét tuyển là xu hướng tiên tiến trên thế giới, song có phù hợp với thực tế các trường ở Việt Nam? Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, để các trường tốp trên “bắt tay nhau” liên kết là một ý tưởng hay.

Song, Bộ GD-ĐT nên mời các trường ngồi lại với nhau, bàn bạc điều kiện và mức độ liên kết phải dựa trên nền tảng tự nguyện để đảm bảo tính tự chủ. Sau đó, các trường sẽ thống nhất và ký biên bản ghi nhớ, Bộ chỉ “đóng vai” chứng kiến chứ không can thiệp. Ngược lại luồng ý kiến này, một số trường lo ngại, để thí sinh tự do đăng ký và các trường tự chủ tuyển sinh là thay đổi quá lớn, không cần thiết và hiện tại nhiều trường chưa sẵn sàng cho chủ trương này.

Suy cho cùng, chủ trương “tự chủ” và “tự chọn” đều nhắm tới mục tiêu cao nhất: để thí sinh thỏa mãn nguyện vọng tương xứng với thực lực, để các trường tuyển được những thí sinh có chất lượng. Thực ra đây chỉ là đầu vào trong “dây chuyền” giáo dục, đào tạo. Điều “cốt tử” mà cả xã hội cũng như phụ huynh, sinh viên quan tâm là “các lò” đại học, cao đẳng sẽ cho ra những... thành phẩm chất lượng như thế nào khi mà Việt Nam sắp bước lên “con tàu” hội nhập TPP.