Từ buổi khai mở đầu tiên

ANTD.VN - Cho tới hôm nay khi tôi đã gần bảy mươi xuân, trải qua bao nhiêu vui buồn, trong chia ly loạn lạc, trong đói kém và cả những nỗi buồn vui vô vàn trong cuộc đời tha hương, nhưng những gì ở tuổi thơ bé bỏng, trong sáng chưa khi nào phai nhòa. 

Tôi vốn là đưa trẻ nghịch ngợm, nên cha mẹ bắt tôi đi học sớm trước tuổi. Vì thế năm 1953 tôi đã vào học trường Tư Thục Vạn Hạnh. Đó là một trường tư nổi tiếng ở Hà Nội do những nhà tu hành, chung tay với Phật tử đứng ra thành lập. Trường xưa ở đối diện với Nhà thờ Hàm Long. Ngày khai trường thực sự khi ấy là một ngày hội. Tôi được mặc quần áo mới, cặp da mới tinh, trong đó là những cuốn vở thơm phức, những cuốn sách mà đêm trước tôi cứ mở cặp giở ra ngắm nhìn mãi. 

Cha chở tôi tới khai trường. Lễ nhập môn rất quan trọng. Đại diện nhà Phật, đội ngũ giáo viên nghiêm cẩn tươi cười đón chúng tôi ngay ở cổng trường. Tôi không thể nhớ người ta nói gì ở buổi khai giảng ấy chỉ biết toàn sân trường là một ngày hội náo nhiệt. Những năm ấy khai giảng bao giờ cũng bắt đầu vào đầu tháng chín. Khi nắng hè còn oi ả.

Lễ khai giảng cũng thật thú vị khi gặp lại bạn bè sau 3 tháng nghỉ hè. Tôi nhớ khai giảng dưới gốc phượng nở đỏ ối và tới cấp hai bao giờ cũng có vài tiết mục học trò tự hát tốp ca hay đơn ca vì bản thân tôi cũng có lần được lên hát trước thầy cô trong trường. Thế hệ chúng tôi ngày ấy không có các bài diễn văn dài lê thê, không có các buổi tập tành mà trước đó học sinh mới phải chuẩn bị từ trước.

Và thực chất chúng tôi không hề nhớ rằng thầy hiệu trưởng hay cô hiệu trưởng đã nói gì ở lễ khai giảng. Hình ảnh lưu giữ có lẽ bất tử mãi ở tuổi thơ bé bỏng là khi là cờ Tổ quốc phần phật do trò lớn kéo lên, là tiếng hát của chúng tôi như vỡ lồng ngực hát: “Đoàn quân Việt nam đi, trung lòng cứu quốc”. Và tôi nhớ mùa khai trường nào cũng vậy ở trường Đoàn Kết II hay Trưng Vương III đều có màu cờ đỏ kéo lên tung bay trước gió. 

Cuộc chiến đã trôi qua đời tôi 11 năm, những gì tôi mang theo suốt bên mình là kiến thức phổ thông để tư duy và tính toán sao cho chiến đấu tốt và quan trọng nhất là hai từ Tổ quốc ở biểu tượng lá cờ mà chúng tôi bảo vệ và gìn giữ, cũng như mỗi lần hát Quốc ca, dù trên bãi tập hay trong hầm tối, trái tim tôi vẫn run rẩy như ngày nào. 

Rồi tôi sang Đức và sinh con gái bên đó. Tới tuổi đi học của con. Tôi được chứng kiến một buổi khai trường vô cùng sinh động và ý nghĩa đặc biệt. Nước Đức, nền giáo dục không có lễ khai trường cho tất cả các lớp sau lớp một. Nhưng lễ khai trường cho trò lớp một lại rất công phu. Sự giống nhau ở ta và Đức là làm lễ chào cờ cho tất cả các trò lớp một. Không có bàn ghế bầy sẵn cho quan khách bởi khai trường không có quan khách.

Chỉ có một cột cờ chuẩn bị sẵn một lá cờ mới và lớn. Đúng giờ, bà hiệu trường đứng trên nấc cầu thang cao nhất lên xuống vào ngôi trường. Diễn văn của bà nói chưa quá ba bốn phút, là lời hứa với trò và phụ huynh sẽ giáo dục con em chúng tôi tốt nhất, là tên vài trò xuất sắc ra đời khi chính họ từ ngôi trường cổ kính lâu năm ấy đã trưởng thành. Lễ khai giảng chỉ diễn ra độ 15 phút và học trò lớp hai tiến ra dắt tay các trò lớp một vào lớp.

Chúng tôi vào một hội trường cũng chỉ đủ cho học trò lớp một. Có 3 nơi như thế ở trong trường khi sân khấu ước lệ mở ra để các trò lớp hai lên biểu diễn một vài bài hát. Những bài hát cực kỳ hay và lời lẽ giản đơn. Tôi nghe từng lời. Hát rằng, tại đây bạn sẽ được học chữ. Chữ để đọc và viết cho bạn ra thế giới này.

Chữ để bạn viết thư cho cha mẹ khi xa nhà và viết thư cho người bạn thân yêu nhất của bạn. Rằng bạn sẽ học để biết con voi to thế nào và cái vòi nó dài bao nhiêu cũng như con ong khác con voi ở chỗ nó bé và biết bay và có mật ngọt để bạn ăn bánh... Con gái tôi rất thích thú ngồi xem toàn bộ những tiết mục ấy và khi sân khấu đóng lại chính các diễn viên lớp hai chạy òa xuống nơi con tôi ngồi và tặng mỗi trò mới 1 đóa hoa hồng. 

Lễ khai trường của Đức kết thúc bằng hai tiếng nữa các trò vui chơi trong trường với hơn chục cái bàn mà học trò các lớp trên bày bán các sản phẩm do chúng tự làm để gây quỹ lớp. Tranh vẽ các màu, bánh ngọt đơn giản và trà các loại. Tôi có cảm giác lễ ấn tượng và chú trọng vào trường là nơi học, chơi và đặc biệt chủ đề thân thiện được nhấn mạnh. 

Tôi về nước nhiều năm nay. Có lần được VTV mời làm khách ở một trường tiểu học. Được chứng kiến lễ khai giảng ở ta vẫn trọng hình thức lắm. Các diễn văn lê thê của hiệu trưởng và quan khách chắc chắn không đọng lại điều gì ở trẻ nhỏ, trong khi tôi biết lễ chào cờ hầu hết mở nhạc có sẵn trong băng đĩa.

Cái điều quan trọng và thiêng liêng bị tước bỏ là trò lớp lớn phải tự hát bài hát quan trọng nhất của mỗi công dân. Lễ khai trường đến rồi! Tôi hy vọng Bộ GD-ĐT thay đổi tư duy làm một cuộc cách mạng ngay từ sự khai mở đầu tiên ở mỗi năm, chấm dứt tình trạng các quan khách các cấp tới trường không cần thiết khi trẻ nhỏ phải nghe những điều mà chúng không thể nhớ, khi nắng dữ tháng tám rám trái bưởi chiếu vào làn da mỏng của các cháu để mồ hôi chảy ướt cả áo.

Có nên chăng một hình thức khai trường với nội dung ngắn gọn mới, có ý nghĩa thiết thực về nội dung chứ không chỉ nặng về hình thức, sự phô trương và vô bổ đối với giáo dục.