Từ 1-1-2016: Nhiều chính sách mới có hiệu lực thi hành

ANTĐ - Cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch; triển khai cấp thẻ căn cước công dân; người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản; trốn nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử lý hình sự…, đó là những chính sách pháp luật quan trọng sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2016.

Từ 1-1-2016: Nhiều chính sách mới có hiệu lực thi hành ảnh 1

TTXVN

Quy định mới về lao động việc làm, bảo hiểm xã hội 

Theo Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 1-1-2016, “người lao động hưởng lương tháng được trả tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả vào thời điểm trả lương”. Thời gian trả lương do 2 bên thỏa thuận, không nhất thiết phải diễn ra ngay trong tháng làm việc. Nghị định 122/2015/NĐ-CP về mức lương tối thiểu vùng cho người lao động quy định, từ 1-1-2016, mức lương tối thiểu vùng tăng trung bình 12,4%. 

Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực từ 1-1-2016 có nhiều điểm mới đáng chú ý. Theo luật này, lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc trong trường hợp sinh thường; 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi… Luật cũng quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp lao động nữ khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh thay vì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con như Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Từ 1-1-2016, mức tiền đóng bảo hiểm xã hội được tính dựa trên lương, phụ cấp ghi trong hợp đồng.

Cũng có hiệu lực từ ngày 1-1, Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động: “Từ ngày 1-1-2016 đến 31-12-2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động”. Quy định này giúp người lao động có thêm nhiều quyền lợi khi hưởng lương hưu cũng như các chế độ tai nạn lao động, thai sản… Nghị định cũng nêu rõ, lao động nữ mang thai hộ đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản được hưởng chế độ thai sản. 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu và bia. Bên cạnh đó, từ 1-1, cả nước sẽ tạm dừng thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, đồng thời các trung tâm sát hạch lái xe tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cho học viên. Còn theo Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an, từ 6-1, ô tô 4-9 chỗ ngồi phải có bình chữa cháy.

Từ 1-1-2016: Nhiều chính sách mới có hiệu lực thi hành ảnh 2

Nhiều quy định mới về lao động việc làm, bảo hiểm xã hội được áp dụng từ 1-1-2016

Quy định mới về độ tuổi gọi nhập ngũ thời bình

Luật Căn cước công dân lấy tên gọi thẻ “Căn cước công dân” để thay cho “Chứng minh nhân dân” như hiện nay. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân. Thẻ này có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ thay cho hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

Luật Hộ tịch quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Công dân Việt Nam, người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam có quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch. Quy định này cũng được áp dụng đối với công dân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. 

Luật Nghĩa vụ quân sự quy định độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi (thay vì hết 25 tuổi như hiện nay) đối với công dân đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ để học chương trình đào tạo đại học, cao đẳng. Theo luật này, thời điểm gọi công dân nhập ngũ được thực hiện vào tháng 2 hoặc tháng 3 hàng năm, thời gian tại ngũ trong thời bình là 24 tháng (trước đây là 18 tháng). Các trường hợp không có mặt đúng thời gian, địa điểm kiểm tra khám sức khỏe ghi trong giấy gọi; làm sai lệch kết quả phân loại nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự… mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt từ 800.000 - 2,5 triệu đồng. Với người đã bị phạt tiền song còn tái phạm sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 5 năm tùy theo mức độ vi phạm.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương có những điểm mới về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND. Theo luật, tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức HĐND và UBND (cấp chính quyền địa phương). Từ ngày 1-1-2016 chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

Luật Tổ chức Quốc hội 2014 bổ sung thêm nhiều quy định để bảo đảm đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội; bổ sung các quy định nhằm xác định cụ thể vị trí pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách. Luật còn xây dựng quy định mới về chức danh Tổng thư ký. Luật Tổ chức Chính phủ quy định cụ thể số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.