Truy nguyên nhân gốc, không để lái xe dám vi phạm rượu, bia và ma túy

ANTD.VN - Gần 1.000 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn bị CSGT phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2019, là con số khá lớn thể hiện sự quyết tâm, vào cuộc trách nhiệm, mạnh mẽ của Phòng CSGT, CATP Hà Nội trong việc phòng ngừa TNGT trên địa bàn thành phố.

Không chỉ tổ chức tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm trên  các tuyến đường, Phòng CSGT, CATP Hà Nội còn tập trung đánh giá, phân tích sâu về tình hình, nguyên nhân cũng như từ đó đề xuất các giải pháp phòng ngừa, xử lý có chiều sâu, bền vững. Muốn vậy, sự vào cuộc của các cấp các ngành, cơ quan chức năng có liên quan từ khâu thẩm định hồ sơ, đào tạo, cấp giấy phép lái xe cũng như kiểm tra giám sát của các đơn vị chức năng có liên quan cần phải được đánh giá, xem xét và siết chặt lại. Trách nhiệm của chính quyền cơ sở, Công an các cấp cũng cần được làm rõ, thể hiện sắc nét hơn.

Xử lý mạnh trên mọi tuyến đường

Những vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên cả nước vào đầu năm 2019 liên quan đến lái xe uống rượu, bia, sử dụng ma túy đã tạo nên nỗi hoảng sợ cho bất cứ người tham gia giao thông nào. Đối với lực lượng CSGT nói chung và Phòng CSGT, CATP Hà Nội nói riêng, hậu quả này đã được nhìn thấy trước. Và cũng chẳng cần phải đến khi các vụ TNGT nghiêm trọng này xảy ra, trước đó nhiều năm, những chuyên đề, kế hoạch tuyên truyền, xử lý vi phạm liên quan đến lái xe uống bia, rượu, sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện đã được Cục CSGT và Phòng CSGT, CATP Hà Nội triển khai quyết liệt.

Lực lượng CSGT Hà Nội kiểm tra lái xe để phát hiện vi phạm nồng độ cồn trên khắp các tuyến đường, thời gian

Dẫu vậy, cũng phải nhìn nhận rằng, hậu quả của những vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra ở Hưng Yên, Bình Phước... đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của tất cả những người dân có lương tri, đặc biệt là các cơ quan chức năng có liên quan đến trách nhiệm đảm bảo TTATGT. Cùng với một kế hoạch tổng kiểm tra xử lý vi phạm về ma túy, rượu, bia của lái xe vận tải, xe khách từ 9 chỗ ngồi trở lên trên toàn quốc được Cục CSGT phát động, Phòng CSGT, CATP Hà Nội cũng đã tham mưu cho CATP Hà Nội xây dựng và ban hành 2 kế hoạch số 81 và 138 về tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm những vi phạm trên.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội đánh giá: Muốn thực hiện hiệu quả kế hoạch, điều đầu tiên đó là CSGT cần và đã làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình những tuyến, địa bàn nổi lên vi phạm TTATGT diễn biến phức tạp, đặc biệt là vi phạm của lái xe về ma túy, rượu, bia. Những điểm đen về TNGT, tuyến đường trong nội đô, quốc lộ, cửa ngõ ra vào thành phố hay xung quanh những khu vực trọng điểm, cũng được Phòng CSGT chỉ đạo các đơn vị thuộc Phòng tập trung phân tích, đánh giá, trên cơ sở đó xây dựng chi tiết, sát thực những kế hoạch, phương án tuần tra, xử lý hiệu quả.

Phòng CSGT, CATP Hà Nội đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của các phòng nghiệp vụ liên quan, Công an 30 quận, huyện và thị xã trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về ma túy, nồng độ cồn. Mục tiêu của Phòng CSGT, đó là tất cả các tuyến đường trên địa bàn thành phố phải được phủ kín lực lượng chức năng kiểm tra, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm trên.

Với vị trí chủ công, Phòng CSGT hàng ngày huy động 60 tổ tuần tra kiểm soát, 164 chốt chỉ huy điều khiển giao thông và 15 tổ công tác 141 tham gia xử lý vi phạm về ma túy, nồng độ cồn trên các tuyến Quốc lộ, đường vành đai và những tuyến phố nội đô. Bên cạnh đó, 24 tổ tuần tra kiểm soát có sự hỗ trợ, phối hợp giữa CSGT, CSCĐ tuần tra cơ động trên khắp các địa bàn quận nội thành cũng phát huy hiệu quả cao. Các tổ tuần tra này còn xử lý nghiêm những trường hợp thanh thiếu niên ngổ ngáo, coi thường pháp luật, Luật Giao thông, tạo sự răn đe, phòng ngừa không để xảy ra tình trạng chống người thi hành công vụ. Cùng với đó, 2 tổ chuyên sâu gồm CSGT, CSMT, Cảnh sát kỹ thuật hình sự được thành lập, tập trung vào các tuyến đường có nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống, quán karaoke, các tuyến Quốc lộ, hay tuyến đường lái xe đường dài, xe khách, xe tải thường xuyên di chuyển để kiểm tra…

Thống kê của Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, lưc lượng CSGT toàn thành phố đã xử phạt 751 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; riêng trong tháng đầu tiên triển khai Kế hoạch 138, CSGT đã xử lý 614 trường hợp vi phạm, phạt thành tiền trên 1,8 tỷ đồng, tạm giữ 614 phương tiện, 563 bộ giấy tờ, tước 498 giấy phép lái xe, nhiều trường hợp lái xe dương tính với ma túy cũng bị xử phạt.

Phòng ngừa từ xa, có chiều sâu

Số vi phạm về rượu, bia, ma túy của lái xe bị CSGT xử phạt trong tháng đầu tiên thực hiện Kế hoạch 138 là rất lớn, chiếm tới gần 90% so với tổng xử lý của 6 tháng. Từ kết quả trên chúng ta có thể nhận thấy, rõ ràng, sau tháng đầu tiên CSGT tăng cường xử phạt, đến những thánh tiếp theo, các lái xe đã biết “sợ”, không dám vi phạm. Kết quả xử lý này cũng phản ánh ý thức của người tham gia giao thông từng ngày đã được nâng cao. Đánh giá của Phòng CSGT cũng cho thấy, sau khi triển khai Kế hoạch 138, tình hình TTAGT trên địa bàn thành phố đã có sự chuyển biến hết sức tích cực. Đặc biệt, kết quả rõ nét nhất là tình hình TNGT từ nghiêm trọng trở lên được kiềm chế, kéo giảm so với thời gian liền kề trước đó khi thực hiện kế hoạch. Cụ thể, giảm 7 vụ, giảm 16 người chết và bằng số người bị thương. Đáng chú ý, trên địa bàn thành phố đã không còn xảy ra những vụ TNGT liên hoàn mà nguyên nhân xuất phát từ viêc lái xe uống bia, rượu, sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện.

Lái xe phải nâng cao ý thức văn hóa giao thông cùng với những chế tài giám sát, xử lý của các cơ quan chức năng đối với những cơ quan, doanh nghiệp quản lý lái xe sẽ giúp TNGT từ vi phạm này được kéo giảm

Những kết quả trên là rất lớn, nhưng Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội vẫn luôn trăn trở trước tình hình TTATGT hiện nay. Những tồn tại và khó khăn về công tác tuần tra kiểm soát, ý thức người tham gia giao thông, các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ còn thiếu, hay cả sự vào cuộc còn hạn chế, thiếu hiệu quả của Công an một số đơn vị quận, huyện…đã kiềm hãm kết quả phát hiện, xử phạt, từ đó ý thức người dân vẫn chưa thật sự chuyển biến theo ý muốn. Mục đích của Phòng CSGT không chỉ đơn thuần là xử lý kết quả cao trong giai đoạn cụ thể, mà phải tìm ra những nguyên nhân sâu xa, từ đó triển khai các biện pháp mang tính chiều sâu, bền vững. “Phải ngăn chặn tận gốc, không để bất cứ lái xe nghiện ma túy có cơ hội cầm vô lăng, hay bất cứ lái xe nào khi đã ngồi điều khiển phương tiện sẽ không dám sử dụng rượu, bia…”- chỉ huy Phòng CSGT nhấn mạnh.

Đánh giá cao những kết quả của Sở GTVT cũng như các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác phối hợp, song Phòng CSGT, CATP Hà Nội kiến nghị các đơn vị trên cần tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Nếu như CSGT cũng như các lực lượng CSTT, CSCĐ, CSMT kiểm tra, chốt chặn ở ngoài đường, các tuyến quốc lộ…, thì trách nhiệm và vị trí của các đơn vị chức năng kiểm tra tại các cổng bến xe, khu vực gần công trường, nhà ga….là vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp cho các lái xe nghiện ma túy, sử dụng bia, rượu không có cơ hội điều khiển phương tiện ra đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Biện pháp “gốc” hơn nữa, Phòng CSGT kiến nghị, đó chính là tất cả các cơ sở đào tạo, cấp giấy phép lái xe trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung cần siết chặt lại khâu quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. “Chúng ta không chỉ đào tạo kỹ năng an toàn cho lái xe, mà còn phải xây dựng được văn hóa giao thông cho tất cả những lái xe này, trách nhiệm cộng đồng của họ đối với người tham gia giao thông xung quanh, đối với gia đình, để từ đó bất kỳ lái xe nào dù không có CSGT làm nhiệm vụ trên đường thì cũng phải tự giác ý thức không vi phạm, không gây tai nạn…”- đại diện Phòng CSGT nhìn nhận.

Việc Quốc hội thông qua Luật phòng chống tác hại của rượu, bia là một thuận lợi rất lớn cho CSGT cũng như các cơ quan chức năng xử lý nghiêm những vi phạm này

Đề cập trách nhiệm đối với các doanh nghiệp, cơ quan kinh doanh vận tải trong quản lý lái xe, người lao động, chỉ huy Phòng CSGT nói rõ: Rõ ràng doanh nghiệp quản lý lái xe, người lao động có lái xe vi phạm uống rượu, bia, ma túy gây tai nạn không thể vô can. Quan điểm này trước đó đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch UBATGT Quốc gia Trương Hòa Bình nhấn mạnh. Bộ Công an cũng đang nghiên cứu, đề xuất với các bộ, ban ngành chức năng rút giấy phép kinh doanh, hoạt động của các doanh nghiệp có lái xe vi phạm những lỗi trên. Không thể để tình trạng doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận nhưng bỏ rơi trách nhiệm quản lý đối với lái xe hay vô cảm, thờ ơ trước hậu quả mà lái xe mình gây ra đối với cộng đồng.

Ngay cả các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống… có sử dụng bia, rượu cũng phải có trách nhiệm đối với cộng đồng trên nhiều khía cạnh, trong đó đơn giản nhất là khuyến cáo các lái xe khi đã uống bia, rượu thì không được điều khiển phương tiện. “Có thể khẳng định, chưa có bất kỳ một cơ sở kinh doanh dịch vụ sử dụng bia, rượu nào trên địa bàn thành phố treo bảng ở những vị trí dễ nhìn khuyến cáo cho thực khách đã uống rượu, bia thì không được lái xe. Điều này có thể đánh giá, thay vì tính mạng của người tham gia giao thông hay của chính thực khách họ phục vụ cần được quan tâm thì cũng không được đặt cao bằng lợi nhuận mà họ hướng tới”- chỉ huy Phòng CSGT bức xúc.