Trường học, bệnh viện có chịu được động đất?

(ANTĐ) - Sau khi trận động đất khủng khiếp mạnh 7,8 độ richter diễn ra ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, nhiều người dân Hà Nội đã lo lắng về độ an toàn của các tòa nhà ở Hà Nội, đặc biệt là các công trình văn hóa xã hội, nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện...

Trường học, bệnh viện có chịu được động đất?

(ANTĐ) - Sau khi trận động đất khủng khiếp mạnh 7,8 độ richter diễn ra ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, nhiều người dân Hà Nội đã lo lắng về độ an toàn của các tòa nhà ở Hà Nội, đặc biệt là các công trình văn hóa xã hội, nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, người dân Hà Nội có thể yên tâm vì các công trình ở Hà Nội đều đã tính tới động đất khi thi công xây dựng.

Chuẩn bị từ nhiều năm

Theo phân vùng động đất, thành phố Hà Nội nằm trong vùng động đất cấp 8. Các nghiên cứu khoa học dự báo, Hà Nội có thể xảy ra động đất và cấp động đất lớn nhất cực đại là cấp 8 với cường độ 6,1 đến 6,5 độ richter với chu kỳ 1.000 năm. Gần đây, năm 1983, Hà Nội bị ảnh hưởng của dư chấn động đất có cường độ 4,5 richter, tương đường cấp 6.

Giữa tháng 5 vừa qua, Hà Nội cũng đã bị ảnh hưởng của dư chấn động đất tại Tứ Xuyên, Trung Quốc, với cường độ cấp 3.

Trước thông tin về sự lo ngại của người dân đối với độ an toàn các công trình xây dựng tại Hà Nội, UBND TP cho biết, để có các số liệu, thông số phục vụ cho việc tính toán kháng chấn cho các công trình xây dựng trên địa bàn Hà Nội, từ năm 1991, UBND TP đã giao cho Sở Xây dựng, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) nghiên cứu hoàn chỉnh bản đồ phân vùng nhỏ động đất của thành phố. Năm 1996 đã hoàn thành bản đồ tỷ lệ 1/25.000.

Theo bản đồ phân vùng nhỏ động đất với chu kỳ là 1.000 năm, Hà Nội chia làm 3 khu vực ứng với 3 loại nền, chủ yếu là khu vực có khả năng động đất cấp 7, cấp 8. Năm 2001, đã chính thức cung cấp các số liệu để phục vụ cho công tác tính toán kháng chấn tại các khu vực ở Hà Nội: cấp động đất, gia tốc cực đại, chu kỳ đặc trưng, phổ phản ứng...

Người Hà Nội tại một số tòa nhà cao tầng tràn ra đường sau khi cảm nhận dư chấn nhẹ của trận động đất tại Trung Quốc hôm 12-5
Người Hà Nội tại một số tòa nhà cao tầng tràn ra đường
sau khi cảm nhận dư chấn nhẹ của trận động đất tại Trung Quốc hôm 12-5

Cũng theo UBND TP, năm 2006, Bộ Xây dựng ban hành Tiêu chuẩn TCXD VN 375:2006 “Thiết kế công trình chịu động đất”. Đây là cơ sở cho các chủ đầu tư các công trình thống nhất thực hiện tính toán kháng chấn cho công trình. Tiêu chuẩn này bắt buộc áp dụng trong quá trình lập dự án từ khâu thiết kế cơ sở đến thiết kế kỹ thuật bản vẽ thi công.

Các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình thẩm định thiết kế cơ sở, đều kiểm tra việc áp dụng tiêu chuẩn thiết kế công trình chịu động đất trong các hồ sơ thiết kế của chủ đầu tư. Cùng với việc hướng dẫn, thẩm định thiết kế các công trình đảm bảo các quy định kháng chấn, thành phố đã có các biện pháp tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình trong quá trình thi công xây lắp.

Chịu được động đất cấp 8

Về khả năng kháng chấn của các tòa nhà ở Hà Nội, ông Trần Chủng - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, công trình xây dựng nói chung và nhà cao tầng nói riêng đều phải tuân theo yêu cầu hết sức khắt khe về tính toán tải trọng tác động đặc biệt (tải trọng động đất, tải trọng gió bão).

Theo các đơn vị thiết kế và thẩm định thiết kế, tất cả công trình nhà cao tầng đều được tính toán theo quy định chịu được động đất. Hiện nay, các công trình đều được kiểm tra, giám sát chặt theo tiêu chuẩn, nhất là đối với tòa nhà cao tầng vì nó liên quan đến sự an toàn cho số đông.

Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam và Văn bản 1393/BXD-KHCN của Bộ Xây dựng phân loại các công trình có yêu cầu kháng chấn thì các công trình trường học, bệnh viện... là những công trình cho phép có biến dạng nứt, hư hỏng cấu kiện riêng lẻ nhưng phải đảm bảo an toàn cho người và thiết bị và phải thiết kế kháng chấn với cấp động đất tính toán theo quy định.

Tất cả các tiêu chuẩn tính toán về động đất tính theo sang chấn các tòa nhà phải thỏa mãn khả năng chịu lực, đảm bảo hệ số an toàn. “Độ an toàn hiện nay của chúng ta đều tính trên 1. Công trình chịu được động đất cấp 7 thì động đất lớn hơn cấp 7 tòa nhà vẫn an toàn.

Theo bản đồ phân vùng động đất, Hà Nội nằm trong vùng động đất nhẹ, một số vị trí có động đất cấp 8 còn lại là động đất cấp 7.

Theo tính toán tương đương về xây dựng, nếu gió cấp 12 công trình chịu đựng được thì động đất cấp 7 hoàn toàn thỏa mãn. Theo tôi, chắc chắn không có chuyện đổ, sập trừ trường hợp động đất trên cấp 8 có thêm những biến cố hy hữu” - ông Trần Chủng nói.

Để hạn chế tối đa các sự cố, thiệt hại cho người, công trình xây dựng trong đó có công trình trường học, bệnh viện... trong trường hợp xảy ra động đất, UBND TP cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý chất lượng công trình xây dựng, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các Quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với các công trình có yêu cầu kháng chấn từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, quản lý khai thác sử dụng.

Đồng thời, thành phố cũng rà soát, kiểm tra chất lượng các công trình đang sử dụng, chú trọng các công trình khi xảy ra sự cố có thể gây ra thảm họa, có kế hoạch cải tạo, sửa chữa để đảm bảo chất lượng công trình cũng như nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong việc kháng chấn cho các công trình xây dựng.

Nam Anh