Trước những đòi hỏi mới, cán bộ phải được nâng tầm

ANTD.VN - Trước khi Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ bảy (khóa XII) khai mạc, Báo An ninh Thủ đô đã ghi nhận ý kiến và kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân về công tác cán bộ, một trong những nội dung quan trọng dự kiến sẽ được bàn trong hội nghị lần này. 

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Đảng viên, cán bộ hưu trí (Khu đô thị Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội): Cần tạo cơ chế để khuyến khích những nhân tố mới, những người có tầm nhìn xa

Đối với mọi quốc gia, người đứng đầu và lãnh đạo các cấp có vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự phát triển hay suy vong của cả quốc gia. Điều này cũng đúng trong từng cơ quan, tổ chức. Ở nước ta, có thể hiểu đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược gồm những người lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; những người có trọng trách ra quyết sách và giải quyết những vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước, quốc gia... 

Với vị trí và chức năng đó, người cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược cần có những tố chất chuyên biệt phù hợp với yêu cầu và tương ứng với đòi hỏi của tiến trình lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Họ phải hội đủ các nhân tố cơ bản: Bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, năng lực lãnh đạo, quản lý, hành động và bản lĩnh sống mang tầm vóc quốc gia.

Để đáp ứng được yêu cầu trên, theo tôi, trước hết cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về ý nghĩa, tầm quan trọng của tầm nhìn và sự cần thiết phải rèn luyện kỹ năng xây dựng tầm nhìn trong thời kỳ mới. Bởi trong điều kiện hiện nay, lãnh đạo, quản lý mà không có tầm nhìn, hoặc tầm nhìn hạn hẹp, sai lệch sẽ thất bại.

Trong quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý cần chú trọng những cán bộ có tư chất, năng lực tư duy và tầm nhìn. Bên cạnh đó cần rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, tổ chức học tập nhằm nâng cao năng lực tư duy cho người lãnh đạo, quản lý, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kết hợp các cơ chế và biện pháp để khắc phục lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, cục bộ, địa phương, tạo cơ chế để khuyến khích những nhân tố mới, những người dám đổi mới, có tầm nhìn xa được bổ sung vào hàng ngũ lãnh đạo…

Thiếu tá Trương Văn Ngơi, Cảnh sát khu vực CAP Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội: Cán bộ là nhân tố quyết định thành công

Trước những đòi hỏi mới, cán bộ phải được nâng tầm ảnh 2

Lâu nay chúng ta thường nói, sau khi có đường lối đúng thì cán bộ đóng vai trò quyết định việc tổ chức thực hiện đường lối. Nhưng mặt khác, lại phải thấy, nhiều khi cán bộ quyết định cả việc định ra đường lối; cán bộ nào thì đường lối ấy. Chúng ta càng ngày càng thấm thía “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Cán bộ là nhân tố của tổ chức tồn tại và hoạt động trong một tổ chức nhất định. Trong một tổ chức mạnh, cán bộ được rèn luyện, trưởng thành, năng lực được phát huy và tạo nên sức mạnh tập thể. Cán bộ là người đi đầu trong mọi hoạt động phong trào, nhiệm vụ, do đó, càng phải tu dưỡng rèn luyện đạo đức làm gương cho quần chúng đồng thời làm trong sạch vững mạnh cho cơ quan, tổ chức. 

Cá nhân tôi là một Cảnh sát khu vực, là người trực tiếp tiếp xúc với nhân dân, bản thân tôi nhận thức sâu sắc và tự ý thức phải thường xuyên trau dồi nghiệp vụ, rèn luyện bản thân, đào tạo các CBCS trẻ kế thừa các thế hệ đi trước, “vừa hồng, vừa chuyên” để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Sắp tới Trung ương sẽ tổng kết Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước và xây dựng Đề án trình Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về công tác cán bộ. Cá nhân tôi tin tưởng rằng Đảng ta sẽ tiếp tục đề ra nhiều chủ trương, giải pháp hiệu quả hơn để chăm lo tốt hơn “cái gốc của công việc”, “then chốt của then chốt”, để Đảng ta ngày càng vững mạnh hơn, xứng đáng với vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 

Hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: Cần xử lý những hành vi vu cáo các cán bộ trong sạch 

Trước những đòi hỏi mới, cán bộ phải được nâng tầm ảnh 3

Vẫn có một bộ phận cán bộ chủ quan, tự mãn, bảo thủ, trì trệ, mắc bệnh thành tích, số khác thiếu tâm huyết với công việc, thiếu gương mẫu, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm, ý thức tự phê bình và phê bình kém. Đáng chú ý, có những trường hợp lợi dụng chức quyền để vun vén lợi ích cá nhân.

Do đó, quyết tâm chỉnh đốn đội ngũ cán bộ của Đảng, đẩy lùi nạn tham nhũng là quyết tâm đúng đắn, được lòng dân và được các Đảng viên đồng tình, ủng hộ. Theo tôi, xã hội tuyệt đại đa số là người tốt, nên cán bộ có hành vi sai lệch như “chạy chức, chạy quyền”, “chặt chém” bằng phong bì hối lộ… phải được đưa ra pháp luật để giữ vững kỷ cương. Chỉ những cán bộ đủ năng lực, phẩm chất mới có thể chăm lo, hỗ trợ cho đời sống nhân dân, xây dựng một xã hội ngày càng trong sạch, vững mạnh, giúp nhân dân bớt khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế. Việc chỉnh đốn đội ngũ cán bộ nên được thực hiện trên diện rộng, từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành cùng chung tay vào cuộc và tránh tình trạng giữa các cấp có thái độ bao che, bênh vực.

Một điều tôi muốn nhấn mạnh, cần tuyên dương những cá nhân, tổ chức mạnh dạn tố cáo những cán bộ làm sai, tắc trách; đồng thời cần xử lý những hành vi vu cáo các cán bộ trong sạch bởi việc vu cáo ảnh hưởng tới uy tín Đảng viên.

Anh Đỗ Trường Hùng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Tin tưởng và tôn trọng người tài

Trước những đòi hỏi mới, cán bộ phải được nâng tầm ảnh 4

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng, phải được tiến hành có hiệu quả để có được đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được giao. Theo tôi, để làm được việc này, Đảng phải thực sự có cơ chế trọng dụng người tài. 

Người tài là những người không chỉ có kiến thức sâu, giỏi giang ở một lĩnh vực bất cứ nào đó của xã hội; mà họ còn là người có những tính cách riêng, có phẩm chất đạo đức, ý thức về giá trị của bản thân và có ý thức dân tộc rất cao. Bởi vậy, để thu hút được người tài phụng sự vào sự phát triển của đất nước đối với mỗi chính thể là một điều rất khó, việc trước mắt đầu tiên cần phải tạo môi trường, điều kiện cho người tài phát triển và bộc lộ hết khả năng của mình. 

Bên cạnh đó, cần cải cách bộ máy hành chính theo hướng công tâm, trong sạch. Những người đứng đầu các cơ quan chuyên ngành phải là chuyên gia, am hiểu sâu về lĩnh vực phụ trách, có năng lực quản lý, có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng để có thể phát hiện người tài, giao nhiệm vụ xứng đáng với năng lực của họ. Không chỉ vậy, cơ chế tuyển dụng người tài phải khách quan, công bằng; Phân công họ vào vị trí, giao nhiệm vụ cho họ đúng với năng lực của họ, để họ có thể phát huy hết sở trường, am hiểu của mình đối với lĩnh vực phụ trách. Cung cấp cho họ những điều kiện để làm việc tốt: phòng nghiên cứu, phương tiện đi lại, trả lương xứng đáng đối với công sức của họ…, để họ có thể yên tâm làm việc. Và quan trọng hơn cả là phải tin tưởng và tôn trọng đối với họ, thừa nhận những giá trị mà họ đã đóng góp cho xã hội.