Trung ương Đảng yêu cầu: 80% người dân hài lòng với dịch vụ y tế vào năm 2025

ANTD.VN - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Theo đó, vào năm 2025, phải đạt chỉ tiêu 80% người dân hài lòng với dịch vụ y tế.

Nội dung tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã được thảo luận kỹ tại Hội nghị Trung ương 6

Nhấn mạnh sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội, Nghị quyết nêu quan điểm: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.

2030: Nam đạt 168,5 cm, nữ 157,5 cm

Đưa ra các mục tiêu cụ thể, Nghị quyết yêu cầu, đến năm 2025: Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 67 năm; Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%.

Tỉ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu 95% với 12 loại vắc xin. Giảm tỉ suất tử vong trẻ em: Dưới 5 tuổi còn 18,5‰; dưới 1 tuổi còn 12,5‰; Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%. Tỉ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 12%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167 cm, nữ 156 cm.

Phấn đấu trên 90% dân số được quản lý sức khoẻ; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.

Đến năm 2030, tuổi thọ trung bình khoảng 75 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 68 năm. Tỉ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 10%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ 157,5 cm. Tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 90%. Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.

Trung ương Đảng chỉ đạo tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mỗi người dân; xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khoẻ và tầm vóc người Việt Nam. Quan tâm các điều kiện để mỗi người dân được bảo vệ, nâng cao sức khoẻ, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.

Lập sổ sức khoẻ điện tử đến từng người dân

Cùng đó, phải thiết lập hệ thống sổ sức khoẻ điện tử đến từng người dân. Thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khoẻ khi đi khám sức khoẻ, chữa bệnh. Có cơ chế, lộ trình phù hợp, từng bước thực hiện để tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khoẻ, khám và chăm sóc sức khoẻ định kỳ.

Cần tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, khám, chữa bệnh từ xa.

Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội

Phải quản lý chặt chẽ nhập khẩu thuốc. Củng cố hệ thống phân phối thuốc, bảo đảm kỷ cương pháp luật, hiệu quả, chuyên nghiệp. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quyền phân phối thuốc, không để các doanh nghiệp không được phép nhưng vẫn thực hiện phân phối thuốc trá hình.

Các bộ, ngành sẽ không chủ quản bệnh viện

Yêu cầu đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế, Trung ương Đảng nhấn mạnh, phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Về cơ bản, các bộ (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), các cơ quan ngang bộ không chủ quản các bệnh viện; Bộ Y tế chỉ chủ quản một số rất ít bệnh viện đầu ngành. Tập trung hoàn thiện bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh trước khi thành lập mới các bệnh viện chuyên khoa ở cấp tỉnh. Điều chỉnh, sắp xếp các bệnh viện, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận thuận lợi về mặt địa lý. Thí điểm hình thành chuỗi các bệnh viện.

Trung ương cũng chỉ đạo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng; dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng.

Phải tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng và thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm phòng, chống, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng lợi dụng chủ trương xã hội hoá để lạm dụng các nguồn lực công phục vụ các "nhóm lợi ích", tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế...