Trung tướng Phạm Tuân: Tập bay đêm với MiG-17 đã nghĩ đến đánh thắng B-52

ANTD.VN - Là phi công đầu tiên bắn rơi máy bay B-52, Trung tướng Phạm Tuân không thể quên những tháng ngày Hà Nội chìm trong khói lửa. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng Trung tướng Phạm Tuân - một nhân chứng lịch sử. 

Trung tướng Phạm Tuân: Tập bay đêm với MiG-17 đã nghĩ đến đánh thắng B-52 ảnh 1Phi công Phạm Tuân, Đại đội 5, Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371 trong trận chiến đấu đêm 27-12-1972 đã nhằm thẳng vào tốp B-52 bắn hai quả đạn tên lửa hạ tại chỗ một chiếc B-52, nhanh chóng thoát về hạ cánh an toàn. Đồng chí Phạm Tuân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 3-9-1973.

- PV: Mỗi khi nhắc về sự kiện lịch sử Hà Nội 12 ngày đêm, ông sẽ nhớ đến điều gì đầu tiên? 

- Trung tướng Phạm Tuân: Tôi luôn nhớ về cái nhíu mày của viên phi công Mỹ bị bắn rơi máy bay cách đây 45 năm. Ông ta bảo: “Vũ khí của các ông chúng tôi đã biết hết. Nhưng chúng tôi không lý giải được tại sao Mỹ lại thua trong trận chiến không cân sức này”. Người Mỹ dù đã chuẩn bị mọi phương án đánh vào Hà Nội bằng máy bay B-52, cũng không thể lường hết được những khó khăn sẽ đối mặt, khi vấp phải sự phản kháng rất mạnh mẽ của quân và dân Thủ đô.

Dù được đánh giá thấp hơn và gần như cầm chắc phần thua nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ ấy, người Việt Nam lại phát huy được sức mạnh tổng hợp của tinh thần đoàn kết và ý chí tự cường. Nhờ đó, chúng ta đã thắng một trận lừng lẫy, Mỹ phải tâm phục khẩu phục ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Paris. 

- Người Việt Nam đã phát huy sức mạnh tổng hợp ấy như thế nào, thưa ông?

- Đó là thế trận nhân dân với sự yểm trợ của phòng không - không quân. Bay tầm thấp có súng của dân phòng. Bay tầm trung và tầm cao có pháo của bộ đội tên lửa, có máy bay của không quân. Đấy là tôi còn biết thế trận của ta mà còn thấy “ngán”, huống hồ phi công Mỹ. Tôi nghĩ đó là lưới lửa tác động đến tâm lý của phi công Mỹ. 

B-52 muốn thả bom, phải ổn định độ cao, còn bay sang phải sang trái thì không trúng mục tiêu. Thế nên, việc bảo vệ mục tiêu cũng không kém phần quan trọng như việc bắn rơi máy bay Mỹ. 

- Nếu như không có thế trận phòng không nhân dân ấy, ông nghĩ Hà Nội liệu có đứng vững?

- Nếu như, không có thế trận phòng không nhân dân ấy, Hà Nội có lẽ đã bị san phẳng. Thủ đô ta khi ấy đã được bảo vệ bởi những người con sẵn sàng hy sinh thân mình, đó còn là sức mạnh tổng hợp được hun đúc từ tinh thần yêu nước. Bộ đội phòng không không quân là nòng cốt cùng với nhân dân Hà Nội thực hiện tốt nhiệm vụ. 

- Ông có cho rằng, cách đánh B-52 của bộ đội Việt Nam là rất đặc biệt?

- Sau thất bại trong trận chiến “Hà Nội 12 ngày đêm”, không quân Mỹ đánh giá rất cao không quân Việt Nam. Bởi họ biết hết tần số của tên lửa, của ra-đa, nhưng vẫn thua. Lý do còn là bởi, không có ra-đa nhưng trên mỗi máy bay của Việt Nam còn có phi công ngồi ở đó. Họ có thể dùng mắt thường đánh được. Hay cụ thể, phi công Việt Nam rất dũng cảm, sẵn sàng lao vào chiến đấu tới cùng, trong khi đó, không phải phi công nước nào cũng dám làm vậy. Nói là vậy, nhưng thời gian đầu đánh B-52, ta cũng gặp nhiều khó khăn. 

B-52 đã “bịt mắt” không quân Việt Nam, “bịt mắt” bộ đội tên lửa bởi đi tới đâu, chúng rải nhiễu tới đó, được che chắn và yểm trợ rất cẩn thận. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, bộ đội ta lại tìm ra cách đánh hiệu quả, phù hợp với lực lượng của ta. 

- Ông có thể tiết lộ cách đánh B-52 này?

- Sân bay trong khu vực Hà Nội bị đánh bom liên tục. Nếu B-52 tấn công vào ban ngày, không quân của ta có thể dẫn máy bay vào trận địa phòng không, vào khu vực ra-đa bắt sóng được, nhưng ban đêm không thể làm như thế, bởi chúng ta bị “bịt mắt”. Vậy nên, Bộ Tư lệnh đã quyết định sẽ chuyển máy bay tới khu vực bên ngoài, không còn ở ngoại thành Hà Nội. Đồng thời dùng các sở chỉ huy ở xa như Mộc Châu, Yên Bái… nằm ngoài phạm vi của nhiễu để dẫn đường cho máy bay. Bộ Tư lệnh cho phép phi công chủ động độ cao, khi có cơ hội là đánh.

Tôi là phi công đầu tiên bắn rơi B-52. Hầu như máy bay Mỹ không biết máy bay của ta đã ở Sân bay Yên Bái. 10h đêm, tôi cất cánh theo phương án chiến đấu và hạ gục một chiếc B-52. Bài học kinh nghiệm nào cũng phải trả giá của nó. Chúng ta đã tích lũy kinh nghiệm, đã thay đổi cách đánh và thành công. 

- Cách đánh này đã được bộ đội Việt Nam tìm ra, sau khoảng thời gian dài chuẩn bị lực lượng, thưa ông?

- Đúng là như vậy. Đảng ta đã phán đoán chính xác. Mỹ sẽ đánh Hà Nội bằng B-52 nên ngay từ những năm 1967, không quân Việt Nam đã tổ chức bay đêm. Lúc đó, tôi vừa tốt nghiệp trường bay của không quân Liên Xô, là học sinh mới cũng được chỉ đạo, cứ ở bên đó tập bay đêm chờ chỉ đạo. Nghĩa là lúc đó, tôi mới tập bay đêm với MiG-17 mà đã nghĩ đến đánh thắng B-52 sau này. Năm 1968, ta thành lập đại đội bay đêm và duy trì cho tới hết chiến tranh. Những học sinh như chúng tôi mới ra trường, nôn nóng muốn đi đánh B-52 lắm bởi không quân mà không bắn rơi máy bay Mỹ thì rất xoàng. Nhưng cấp trên chỉ đạo: “Các đồng chí cứ yên tâm, chỉ lo đến lúc có nhiệm vụ, các đồng chí không hoàn thành”. 

- Như vậy, để bắn rơi máy bay B-52 không chỉ dựa vào ý chí mà còn cần tới trí tuệ, tìm ra cách đánh hiệu quả...

- Chính xác! Nếu chỉ xông lên trời thì chưa đủ mà chúng ta phải có trí tuệ, tìm ra cách đánh. Mỗi người phi công khi đó chỉ nghĩ đến bắn rơi máy bay B-52, không nghĩ đến sống chết. Không quân chúng tôi xác định, nếu bắn 2 quả tên lửa không rơi, sẵn sàng làm quả tên lửa thứ 3. Và sau này, anh Vũ Xuân Thiều đã làm như thế. Máy bay của anh Vũ Xuân Thiều đã đâm thẳng vào máy bay B-52. Bộ đội Việt Nam đã chuẩn bị các phương án, lực lượng rất kỹ càng trước khi đối mặt với “pháo đài bay” B-52 và chiến thắng này là tất yếu, làm rung chuyển thế giới. Hà Nội không bị đánh bại bởi “pháo đài bay” B-52 là nhờ vào sự phán đoán chính xác của Đảng đã giúp chúng ta không bị động trước đợt không kích của không quân Mỹ, dựa vào tinh thần đoàn kết hiệp đồng của quân dân Thủ đô, của cách đánh thông minh. 

- Xin cảm ơn Trung tướng Phạm Tuân và chúc ông mạnh khỏe!