Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia nói về việc "muốn hiến tạng phải trả 17 triệu đồng"

ANTD.VN - Trước thông tin “muốn tự nguyện hiến tạng, phải mất 17 triệu đồng tiền xét nghiệm” được đăng tải trên một số phương tiện truyền thông gần đây, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã lên tiếng lý giải.

Người đang sống hiến tạng cần bỏ tiền trước để chi trả phí xét nghiệm (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia cho biết, thông tin trên đang khiến rất nhiều người hiểu nhầm về toàn bộ hoạt động liên quan đến việc đăng ký hiến và hiến tạng. Mấy ngày qua, nhiều người đã gọi điện trực tiếp đến Trung tâm để hỏi về việc hiến tạng có mất tiền hay không.

Theo ông Phúc, về việc đăng ký hiến tạng, người hiến chỉ cần điền theo mẫu đơn, ký vào đó, kèm bản photo chứng minh, 1 ảnh… và chờ nhận thẻ. Việc làm này hoàn toàn miễn phí.

Với người hiến tặng mô/tạng/xác khi chết/chết não thì mọi thủ tục xét nghiệm để xác định có thể ghép được cho các bệnh nhân khác hay không hoàn toàn do bệnh viện chi trả, gia đình người hiến không phải bỏ ra bất kỳ khoản nào. Thông tư 104 của Bộ Tài chính cũng đã quy định chi trả tiền mai táng sau đó.

Câu chuyện người muốn hiến tạng phải tự trả tiền xét nghiệm chỉ xảy ra khi việc hiến tạng là của một người đang còn sống cho người khác. Tuy nhiên theo đại diện Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, với người hiến tạng khi đang sống, việc làm này ngành y tế không khuyến khích.

Việc hiến tặng một quả thận, một phần gan, một phần phổi… của một người khi còn sống thường là dành cho người ruột thịt trong gia đình. Số lượng này không nhiều và đa phần là gia đình hiến cho nhau nên đây không phải là vấn đề lớn.

Dù vậy, trong thực tế cũng vẫn có những trường hợp người còn sống tự nguyện hiến tặng tạng cho người ngoài. Trong 5 năm qua, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã tiến hành điều phối cho 5 trường hợp tự nguyện hiến tặng thận cho người ngoài.  Theo quy định của Luật hiện hành, người hiến sẽ phải tự bỏ tiền ra làm các xét nghiệm.

Nói về việc này, đại diện Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia chia sẻ, đã có rất nhiều cuộc tranh luận từ khi xây dựng dự thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người về vấn đề ai sẽ là người chi trả tiền cho các xét nghiệm trước khi hiến vì điều này nảy sinh một số bất cập.

Theo đó, ngành y tế chủ yếu khuyến khích việc hiến tạng ở bệnh nhân chết não - trừ một số trường hợp đặc biệt của người hiến tặng vô danh, không vụ lợi mới tiếp nhận tạng từ người cho còn sống.

Với người hiến tạng khi còn sống phải tự bỏ tiền làm xét nghiệm vì nếu miễn phí xét nghiệm, có thể xuất hiện những người có động cơ không trong sáng như đăng ký hiến để kiểm tra sức khỏe chuyên sâu miễn phí xong có thể đổi ý không hiến nữa.

Nếu như vậy, ngân sách sẽ đội lên khủng khiếp vì chi phí có thể lên đến 15-20 triệu đồng cho các xét nghiệm nhóm máu, kháng nguyên bạch cầu người (HLA), chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp…). BHYT chưa thanh toán danh mục này, còn các bệnh viện không đủ tài chính để chi trả.

Trước “vướng mắc” này, Trung tâm Điều phối Quốc gia về hiến ghép mô tạng cũng đã đưa ra nhiều tranh luận về việc đề nghị sửa đổi các chính sách liên quan.

Một phương án có vẻ tối ưu được đưa ra để tránh việc trục lợi chính sách đó là BHYT cần hoàn lại tiền xét nghiệm cho người hiến tạng khi còn sống sau khi đã có chứng nhận hiến tạng hoặc xác nhận của cơ sở y tế rằng người đó không đủ điều kiện để hiến tạng khi còn sống. Tuy nhiên, ý kiến này cũng có người cho rằng như vậy sẽ là thiếu “tế nhị” đối với người thực sự có tâm nguyện muốn hiến tặng vô danh, không vụ lợi…

“Trên thực tế, chính sách, pháp luật thường đi sau thực tiễn nên khi phát sinh, nếu thấy vướng mắc, chưa phù hợp thì cần đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật mới để bảo đảm tính nhân văn của việc hiến tạng” - đại diện Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia chia sẻ.