“Trung Hoa Dân quốc tối tân địa đồ” vừa được phát hiện ở Hải Phòng:

“Trung Hoa Dân quốc tối tân địa đồ” không có Hoàng Sa, Trường Sa

ANTĐ - Tấm bản đồ “Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ” (Bản đồ mới nhất và hiện đại nhất của nước Trung Hoa) xác định điểm cực nam của lãnh thổ Trung Hoa là đảo Hải Nam, không hề thấy sự hiện diện của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. 
Ngay sau khi báo chí đăng bài “Bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa ở Hải Phòng”, với sự cộng tác, giúp đỡ của nhà sử học Ngô Đăng Lợi, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cựu Chủ tịch Hội KHLS Hải Phòng, chúng tôi đã có mặt tại nhà ông Bùi Viết Đông, người đang lưu giữ cuốn sách có tấm bản đồ nói trên. 

Phóng viên (phải) trao đổi cùng ông Đông (giữa) và nhà sử học

Ông Bùi Viết Đông, sinh năm 1929, ở số nhà 3, ngõ 46, phố Cấm, phường Gia Viên, quận Ngô Quyền - chủ nhân của cuốn sách chữ Hán có in tấm bản đồ “Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ” cho biết, cuốn sách là di vật của cụ thân sinh Bùi Văn Lộc để lại. 
Theo lời ông Đông, năm 1962, cụ thân sinh của ông về với tiên tổ, gia đình đã định dùng cuốn sách này để làm gối đầu, nhưng nhờ có chút ít “nho nhe” nên ông tìm cách giữ lại làm kỷ niệm. Ông Đông nhớ lại, năm 1947, ông gia nhập quân đội. Trong thời gian đóng quân ở Diễn Châu, Nghệ An, ông được một cụ đồ Nho tặng cuốn Từ điển Hán - Việt và nhờ tự học mà ông có chút võ vẽ về chữ Hán.
Cuốn sách có kích thước: 23,5cmx12,5cm, dày 4cm, đã bị mất bìa, rách vài trang đầu và trang cuối nên chưa xác định được tên sách, nhà xuất bản, năm in ấn, cũng như nơi phát hành. Nội dung cuốn sách đề cập đến rất nhiều lĩnh vực như: y học, thiên văn, phong thuỷ, chiêm tinh, tướng số, khoa học thường thức, nhân vật, lịch sử, văn học, nghệ thuật, địa lý... 
Dựa vào nội dung và qua giám định văn bản học, nhà sử học Ngô Đăng Lợi cho rằng đây là ấn phẩm do Nhà nước Trung Hoa dân quốc ấn hành và đương thời sách được phát hành công khai, rộng rãi, niên đại ra đời sớm nhất là sau khi thành lập nước Trung Hoa dân quốc (năm 1911). Trong sách có bức tranh mô tả về cuộc Cách mạng Tân Hợi (khởi nghĩa Vũ Hán) năm 1911 với lá cờ “Thanh thiên bạch nhật mãn địa hồng” của Quốc Dân Đảng. 
Về thể loại sách, theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi thì đây là một cuốn “Liên lịch thông thư” về Lục thập hoa giáp - 60 năm (một dạng lịch văn hoá tổng hợp) vốn được người Trung Quốc phát hành phổ biến và rất ưa chuộng xưa nay. Điều đáng nói đây là tài liệu khoa học, văn hoá chính thống do Nhà nước Trung Hoa dân quốc xuất bản. 
“Trung Hoa Dân quốc tối tân địa đồ” không có Hoàng Sa, Trường Sa ảnh 2
Tấm bản đồ trong cuốn sách
Và điều đáng quan tâm hơn cả là tấm bản đồ “Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ” (Bản đồ mới nhất và hiện đại nhất của nước Trung Hoa) này xác định điểm cực nam của lãnh thổ Trung Hoa là đảo Hải Nam, không hề thấy sự hiện diện của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Khác xa với những đòi hỏi phi lý của Trung Quốc sau này khi cố tình đưa ra những tấm bản đồ với đường lưỡi bò chín đoạn trên biển Đông. 
Điều này cũng dễ hiểu, sự tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam chỉ là một vấn đề mới được đặt ra trong giai đoạn gần đây. Thật vậy, trong quá khứ không có sự tranh chấp vì Hoàng Sa và Trường Sa được coi đương nhiên là lãnh thổ Việt Nam từ lâu. Sự tranh chấp chỉ xảy ra gần đây vì người ta mỗi ngày mỗi khám phá thấy những nguồn lợi kinh tế cũng như vị trí chiến lược quan trọng của những quần đảo này. 
Được biết, nguồn gốc của sự tranh chấp bắt đầu từ năm 1909, khi Tổng đốc Lưỡng Quảng tuyên bố đơn phương sáp nhập Hoàng Sa vào địa phận Hải Nam. Tuy nhiên, sự việc này không khiến dư luận chú ý mấy vì đây chỉ là hành vi lố bịch của chính quyền địa phương chứ không phải của quốc gia. Thậm chí trên tấm bản đồ “Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ” của Chính phủ Trung Hoa dân quốc xuất bản mới nhất nói trên cũng không thấy xuất hiện đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Và trên thực tế, Trung Quốc cũng không có bất kỳ hành động cụ thể nào để hỗ trợ lời tuyên bố nói trên. Mấy chục năm tiếp theo đó, Trung Quốc chỉ liên hệ với Hoàng Sa trên lý thuyết như vậy thôi. 
Tiếp đó, cũng nhờ sự hỗ trợ của nhà sử học Ngô Đăng Lợi, chúng tôi đã được ông Lạc Tích Thêm, sinh năm 1927, cán bộ tiền khởi nghĩa, ở số 12/1 phố Trần Quang Khải, cho xem cuốn sách có nội dung tương tự cuốn sách trên. Sách có tên “Tụ Bảo Lâm thông thắng” do Hồng Kông xuất bản năm Đinh Hợi - 2007. 
Theo ông Lạc Tích Thêm, cuốn sách (chính xác là cuốn lịch thông thư “Lục thập hoa giáp”), do một người bạn đang sinh sống ở Hoa Kỳ tặng. Điều đáng lưu ý là cuốn sách xuất bản năm 2007, người Trung Quốc đã không cho in tấm bản đồ “Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ” nữa.