Trung bộ chìm trong lũ, phải cứu trợ khẩn cấp

ANTD.VN - Ngày 16-12, mưa lớn tiếp tục diễn ra tại các tỉnh Nam Trung bộ, nhiều vùng ở Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam… bị cô lập. Quốc lộ 1 nối Khánh Hòa và Phú Yên tê liệt, tỉnh Phú Yên đã phải “mở” hầm Cổ Mã cho phương tiện qua lại. Mưa lũ đã làm 11 người chết và mất tích.

Trung bộ chìm trong lũ, phải cứu trợ khẩn cấp ảnh 1Nhiều nơi của tỉnh Quảng Ngãi bị cô lập do ngập sâu

Xuất kho 36 tấn lương khô

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, trong ngày 16-12, các tỉnh Đà Nẵng đến Bình Thuận đã có mưa to đến rất to, lượng mưa trung bình trong ngày đạt mức trên 150mm. Mưa to cùng với thủy điện xả lũ đã khiến tình hình ngập lụt thêm nghiêm trọng.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Bình, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN), Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), trong ngày 16-12, Bộ Quốc phòng đã quyết định xuất kho 36 tấn lương khô từ nguồn dự trữ của Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần để ứng cứu khẩn cấp cho người dân ở khu vực đang bị cô lập, nước lũ ngập sâu tại 4 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, mưa lũ từ ngày 13 đến 16-12 đã làm 3 người chết. Mưa lũ còn gây ngập lụt trên 8.000 ngôi nhà ở các huyện vùng thấp trũng Phong Điền, Hương Trà, Quảng Điền và Phú Vang, Phú Lộc. Thành phố Huế có 13 tuyến đường bị ngập từ 0,3-0,7m; các tuyến đường tỉnh lộ qua huyện Phong Điền, Quảng Điền ngập sâu từ 0,5-0,7m; nhiều đoạn bị chia cắt.

Còn tại tỉnh Phú Yên, do có mưa vừa đến mưa to liên tiếp trong 2 ngày qua, kết hợp với nước xả lũ của hồ thủy điện đến sáng 16-12, hàng trăm ngôi nhà dân ở các huyện Tuy An và Đồng Xuân (phía Bắc tỉnh Phú Yên) bị ngập nước. Tại tỉnh Bình Định, đã có 5 người chết và 2 người mất tích. Ngày 15 và 16-12, huyện Hoài Ân đã phải di dời 400 người dân vùng bị nguy hiểm đến nơi an toàn. Còn tại huyện Hoài Nhơn, mưa lũ đã làm 14 trong tổng số 17 xã của huyện bị ngập, chia cắt, cô lập hoàn toàn, hơn 2.800 ngôi nhà ngập sâu. Riêng huyện Phù Cát có 3 người chết, hơn 4.000 ngôi nhà bị ngập chìm trong nước lũ.

Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam tê liệt

Từ đêm 15 đến trưa 16-12, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có mưa to đến rất to, lượng mưa vùng ven biển phổ biến từ 70-130mm đã gây ra nhiều thiệt hại, khoảng 250.000 học sinh các trường học từ mẫu giáo đến THPT trên địa bàn phải nghỉ học. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh cho hay, tại huyện Vạn Ninh, đèo Cổ Mã bị sạt lở khoảng 1.000m3 đất đá, khiến tuyến đường qua đèo Cả - nối tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa bị ùn tắc, quốc lộ 1A bị chia cắt.

Sáng 16-12, Ủy ban ATGT quốc gia, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phải cho mở hầm đường bộ Cổ Mã qua đèo Cả giúp giải quyết tình trạng ùn tắc. Hầm Cổ Mã thông xe từ tháng 9-2015, tuy nhiên, chủ đầu tư cùng các đơn vị chức năng chưa thể mở cửa cho phương tiện lưu thông do hệ thống đường dẫn, kết nối liên hoàn hầm đường bộ Đèo Cả chưa hoàn thành. Để lưu thông qua hầm Cổ Mã, phương tiện phải băng qua đường ngang dân sinh với đường sắt tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Ngoài ra, vụ sạt lở đất do mưa lũ tại khu vực đèo Cả sáng 16-12 đã làm tuyến đường sắt qua Phú Yên và Khánh Hòa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều điểm bị đất đá lấp kín. Một số đoạn khác bị xói lở, sụt lún nghiêm trọng. Đường sắt Bắc – Nam qua khu vực bị tê liệt, khiến 7 đoàn tàu khách và 11 đoàn tàu hàng phải dừng chờ thông tuyến tại các ga dọc đường.