Trở lại với lối sống chậm

(ANTĐ) -Khoa học công nghệ phát triển đem lại nhiều tiện ích cho con người. Sau hơn 300 năm phát triển, người dân các nước giàu đã được hưởng thụ một cuộc sống vượt quá mức sống của các nước nghèo hàng chục lần, khiến họ “tiêu xài” một lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ.

Trở lại với lối sống chậm

(ANTĐ) -Khoa học công nghệ phát triển đem lại nhiều tiện ích cho con người. Sau hơn 300 năm phát triển, người dân các nước giàu đã được hưởng thụ một cuộc sống vượt quá mức sống của các nước nghèo hàng chục lần, khiến họ “tiêu xài” một lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ.

Con người sẽ sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường và hướng tới thiên nhiên
Con người sẽ sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường và hướng tới thiên nhiên

Tài nguyên thiên nhiên không phải là vô tận. Chỉ tính riêng phương tiện giao thông, trung bình ở Mỹ, Nhật, Đức… cứ 2 người sở hữu một ôtô con. Công nghệ chế tạo ôtô, xe máy tự động hàng loạt cung cấp cho thế giới mỗi năm hàng chục triệu ôtô, xe máy các loại. ở các nước đang phát triển, như Trung Quốc, Thái Lan và ngay cả ở Việt Nam, phương tiện giao thông cá nhân lắp động cơ cũng đang tăng nhanh. Phương tiện giao thông cá nhân “động cơ hóa” đã làm “chết dần, chết mòn” thói quen đi bộ, đi xe thô sơ chẳng những ở các nước phát triển, mà ở cả các nước đang phát triển. Hậu quả là nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Trái đất ngày càng cạn kiệt, bị sử dụng lãng phí, thảm họa ô nhiễm môi trường đang cận kề.

Trên thế giới đang có trào lưu sống “chậm” làm giảm mức “tiêu xài” năng lượng, nhiên liệu, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ mai sau. Có một thành phố “kiểu mẫu” chọn cách sống “chậm” đã xuất hiện ở ngoại ô Berlin (CHLB Đức). Cả thành phố đồng thanh nói “không” với ôtô con, xe gắn máy, trở về với các phương tiện giao thông công cộng sẵn có như tàu hỏa, xe buýt, tàu thủy và xe thô sơ như xe đạp, xe ngựa, cùng sự vận động đôi chân hàng ngày. Hầu hết dân thành phố này đã bán ôtô con, xe gắn máy, trang bị xe đạp, xe ngựa. Hàng ngày, họ đi bộ từ nhà đến bến xe buýt, nhà ga xe lửa hoặc bến tàu thủy. Đi bộ đã trở lại thành thói quen, khiến cuộc sống thong thả hơn. Các bãi đỗ xe đã được cải tạo thành vườn hoa, thảm cỏ xanh.

Sau một năm sống “chậm”, dân trong thành phố kiểu mẫu này đã cảm nhận được một cuộc sống yên bình, thanh thản và hạnh phúc, không còn tiếng còi xe, tiếng động cơ náo loạn cuộc sống, lượng khí thải giảm thiểu, môi trường sống được cải thiện rõ rệt.

Là một trong những nước đang phát triển, Việt Nam cũng đang bị lối sống “nhanh” lôi cuốn với nhà nhà tậu xe ôtô con, người người sắm xe gắn máy. Sở hữu xe ôtô con, xe gắn máy và nhất là các dòng xe cá nhân công suất cao, đắt tiền đang là “mốt thời thượng” của không ít người. Liệu có phải chính chúng ta đang đi ngược lại trào lưu thế giới, khi mà lối sống “nhanh” đang bị các nước phát triển “suy ngẫm” lại và đã hình thành trào lưu sống “chậm” với các phương tiện giao thông công cộng, thô sơ và đi bộ.

Tiến sỹ Dương Quý Đàm