Trình Quốc hội xem xét hai phương án xử lý tài sản bất minh

ANTD.VN - Nếu chọn phương án xử lý bằng cách thu thuế thu nhập cá nhân với các tài sản bất minh thì cơ quan chức năng sẽ vẫn tiếp tục xác minh nguồn gốc tài sản này và nếu chứng minh được là có được do tham nhũng thì sẽ xử lý hình sự, chứ không phải chỉ nộp thuế là xong...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật trả lời báo chí

Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6-Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 22/10.

Thế nhưng đến thời điểm này, quy định về xử lý tài sản bất minh trong dự luật vẫn chưa chốt được phương án cuối cùng…

Trao đổi với báo chí liên quan đến nội dung nhận được khá nhiều sự quan tâm này, ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội – cơ quan thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cho biết, dự thảo luật đã cơ bản hoàn thiện song còn một vấn đề lớn vẫn có nhiều ý kiến khác nhau là quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Ông Luật nhấn mạnh, cũng vì hiện vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau nên bản dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình ra Quốc hội tới đây sẽ trình cả 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo đó, phương án 1, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định. Trên cơ sở các chứng cứ, ý kiến tranh tụng, Tòa án sẽ xem xét và đưa ra phán quyết để bảo đảm tính minh bạch, công khai.

Với phương án 2, trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, với cách xử lý như phương án 2 thì quá nhẹ cho các đối tượng tham nhũng, bởi tài sản mà họ có được do tham nhũng chỉ cần phải nộp một khoản thuế nhất định là xong.

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật phân tích, qua tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước thì xác định tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc đó là thu nhập gia tăng. Theo pháp luật về thuế thu nhập thì người kê khai trước tiên phải nộp thuế.

“Việc nộp thuế không làm thay đổi bản chất của việc xử lý đối tượng tham nhũng, tức là dù đã thu thuế nhưng cơ quan có thẩm quyền sẽ vẫn tiếp tục xác minh nguồn gốc khoản thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc đó.

Và nếu thấy tài sản đó là do tham nhũng mà có thì sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của các luật khác, như Bộ luật Hình sự, chứ không phải chỉ thu thuế là xong” – ông Nguyễn Văn Luật nhấn mạnh.