Trẻ tự kỷ "thần đồng"
(ANTĐ) - Thấy con mình có những biểu hiện thông minh vượt trội, các bậc phụ huynh đừng vội mừng. “Thần đồng - cũng có thể là dấu hiệu của bệnh tự kỷ” - các chuyên gia tâm lý cảnh báo.
Cha mẹ quan tâm con trẻ tránh được bệnh tự kỷ. Ảnh minh họa |
Trẻ quá thông minh, đừng vội mừng
Khi con 2 tuổi đã đếm số vanh vách đến 100, hơn 3 tuổi đã biết ghép chữ cái trên báo, biết tính nhẩm hai con số, cả nhà chị Trần Thu Thuỷ (Hà Đông) rất vui mừng. Họ hàng, xóm giềng đều trầm trồ thán phục. Thậm chí có cả phóng viên về viết bài, khen ngợi. Hai vợ chồng anh chị chỉ là công nhân, học hết cấp 2, người nhiều chữ nhất trong nhà là ông nội, vốn là thầy giáo làng.
Chị nghĩ có lẽ vì ông nội mở hàng bán báo, bán sách giáo khoa nên cu Bi có điều kiện tiếp xúc với sách vở. Cu Bi ở nhà với ông bà, không nghịch ngợm như bạn bè cùng tuổi mà suốt ngày hí húi nơi góc nhà với mấy cuốn sách. Bố mẹ có cho đi chơi cũng không hào hứng. Cả nhà chị Thủy càng yên tâm vì có cậu con trai ngoan ngoãn, thông minh và bàn tính đến việc cho con đi học sớm.
Nhưng đến khi cu Bi 4 tuổi, để chuẩn bị cho con đi học, chị xin cho con vào lớp mẫu giáo. Được hai ngày, cô giáo gọi điện cho chị Thuỷ, nói rằng cu Bi cứ ngồi thu mình ở góc lớp, không nói, ai đến gần cũng hét lên. Thấy cô giáo có cuốn sách, cậu vồ lấy ôm khư khư, khi cô lấy lại thì ôm lấy cô giáo cắn.
Đưa cho cu Bi cuốn sách thì cậu lại ngồi yên. Cô giáo khuyên chị Thủy nên cho con đi khám. Khi chị Thuỷ lo lắng nói chuyện với cả nhà thì chồng chị bảo chị đừng hoang tưởng, mẹ chồng chị nổi giận, cho rằng cô giáo ghen ăn tức ở với tài năng của cháu bà, bố chồng bảo chắc cháu đi học lạ trường nên tâm lý không ổn định. Nhưng để ý kỹ, chị Thuỷ mới thấy con mình không hề có bạn, không nghịch ngợm, vui vẻ như mấy đứa hàng xóm. Chị chia sẻ với mấy người bạn rồi lén mang con đi khám, bác sĩ chẩn đoán con chị bị tự kỷ.
Bác sĩ Ngô Thanh Hồi - Giám đốc Bệnh viên tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết: “Cha mẹ đừng thấy con mình sớm biết đọc, sớm làm toán, giỏi vẽ, giỏi nhạc hơn hẳn các bạn cùng trang lứa mà đã vội vui mừng. Một đứa trẻ khoẻ về thể chất lẫn tinh thần không chỉ có tài năng mà còn cần các kỹ năng hoà nhập xã hội, kiểm soát hành vi của mình cho phù hợp với môi trường. Nếu một đứa trẻ co mình, không giao tiếp là có các dấu hiệu về tự kỷ”.
Theo nghiên cứu, khoảng 20-30% những đứa trẻ tự kỷ có trí tuệ bình thường và 1-3% trong số đó còn trên thông minh. Những dấu hiệu nhận biết sớm như làm toán, biết đọc, biết chơi nhạc… có thể xem là bất bình thường. Và khoảng 10% trẻ tự kỷ có các đặc điểm này. Những đặc điểm này có thể biến mất theo thời gian.
Về mặt tổng thể, trẻ vẫn bị rối loạn phát triển, khó hoà nhập với xã hội. “Trẻ tự kỷ “thần đồng” là do sự phát triển không toàn diện của não. Có phần phát triển trội nhưng lại có phần bị “thiểu năng” vì thế trẻ bị rối loạn phát triển, khó hoà nhập xã hội. Các em có thể đọc vanh vách bài thơ, tính nhẩm cực nhanh nhưng lại không hiểu gì về nội dung hay ý nghĩa của chúng” - bác sĩ Hồi cho biết.
Phát huy khả năng
Thế giới không thiếu các thiên tài có các dấu hiệu tự kỷ như thiên tài âm nhạc Mozart (Áo), nhà vật lý I. Newton (Anh), nhà vật lý A. Einstein (Mỹ), nhà soạn nhạc L.Beethoven (Đức), nhà văn H. Andersen (Đan Mạch)… Michael Fitzgerald, giáo sư tâm thần học của Đại học Trinity tại Ireland, sau còn sống và nhiều người nổi tiếng trong lịch sử, đã khẳng định: “Những rối loạn thần kinh có thể tạo ra những tác động tích cực. Tôi cho rằng những gene gây nên bệnh tự kỷ cũng chính là những gene làm nên thiên tài. Các gene nói trên tạo ra những con người có khả năng tập trung cao độ nhưng lại không có nhiều mối quan hệ xã hội và hiếm khi giao tiếp bằng mắt. Họ dễ mắc chứng hoang tưởng nhưng luôn hành xử theo các chuẩn mực đạo đức của xã hội”.
Một người không có bệnh về tâm thần là người có cảm giác sống thực thoải mái; có niềm tin vào giá trị của bản thân, vào phẩm chất, giá trị của người khác; có khả năng tự chủ về tư duy, cảm xúc và hành vi, biết quản lý cuộc sống và chấp nhận thử thách; có khả năng tạo lập và duy trì thỏa đáng các mối quan hệ cá nhân với mọi người; có khả năng tự hàn gắn sau các sang chấn tâm lý (stress).
Theo các chuyên gia nghiên cứu, hiện y học chưa tìm ra nguyên nhân gây tự kỷ, song nhiều nhà khoa học cho rằng tự kỷ không phải là bệnh tâm thần, không chỉ đi điều trị tâm lý là khỏi. Tuy không hoà nhập nhưng hành động của đa số trẻ tự kỷ không gây hại cho người khác.
Nếu bố mẹ thấy giận dữ, muốn uốn nắn con mình cư xử cho đúng mà đánh mắng, ép buộc thì trẻ sẽ càng co cứng và có nhiều hành động “bất thường hơn”. Trẻ bị tự kỷ nên được điều trị từ 3 tuổi, nếu sau 6 tuổi rất khó điều trị. Vì thế, nếu cha mẹ phát hiện con có những biểu hiện bất thường so với bạn bè cùng lứa tuổi thì nên đưa con đến các địa chỉ tin cậy để khám, kể cả việc thông minh hay tài năng vượt trội cũng nên lưu tâm.
Các bậc cha mẹ có con tự kỷ nên kiên nhẫn, dịu dàng, hướng dẫn cho con làm quen với từng việc. Trẻ tự kỷ có thể từ các nguyên nhân tâm lý, căng thẳng do các cú sốc tâm lý, bị bỏ rơi hoặc sợ hãi. Hãy để trẻ thấy rằng bố mẹ yêu thương, gia đình an toàn.
Bố mẹ nên tìm hiểu xem trẻ thích gì và không thích gì để tránh những thứ trẻ “dị ứng”, gây áp lực cho trẻ. Kiên nhẫn dạy trẻ từng động tác, từng từ và không ép buộc trẻ phải học. Nếu trẻ phá phách, la hét có thể ôm trẻ vào lòng để làm dịu thần kinh cho trẻ. Cần tránh sự thay đổi để trẻ không bị sốc (chuyển nhà, chuyển trường, bố mẹ cãi cọ, ly hôn…). Nếu được điều trị sớm và khoa học, những tài năng của trẻ tự kỷ vẫn có thể phát huy và có ích cho cộng đồng.
Kim Chi