Trẻ nghỉ hè, nhiều nỗi lo

ANTĐ - Xuất phát từ những hoàn cảnh khác nhau mà các bậc phụ huynh đón nhận dịp nghỉ hè của con theo cách riêng, song tâm lý chung vẫn là lo lắng khi không có thời gian trông con vì bận việc, sợ con cái sa ngã vào những tệ nạn xã hội...
 Trong kỳ nghỉ hè, nên hướng trẻ đến những hoạt động lành mạnh, bổ ích
 Trong kỳ nghỉ hè, nên hướng trẻ đến những hoạt động lành mạnh, bổ ích
 

Thích sống theo cách riêng
Sau gần 1 tháng đi công tác xa, ngỡ trở về nhà gặp cô con gái yêu trong sự vui vẻ, ai ngờ chị Phan Thanh Thuỷ, ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình phát hiện con mình đã trở thành “hotgirl” từ bao giờ. Chị cứ nghĩ, mua máy tính, nối mạng, mua điện thoại để phục vụ cho mục đích học tập của con, không ngờ đứa con gái học lớp 10 xinh xắn đáng yêu của mình giờ đã nghiện internet, chạy theo những trò thiếu lành mạnh. Chị Thuỷ sụt sùi: “Tối hôm công tác về, thấy con không xoắn xuýt như mọi lần mà “lẩn” vào phòng đóng chặt cửa ngồi một mình trước máy tính tôi đã sinh nghi.  Khi nhìn qua khe cửa, tôi giật mình khi thấy con gái mở webcam, trên đó là hình ảnh con tôi đang khoe ngực, rồi con bé uốn éo trước màn hình vi tính. Đã vậy, trong blog của con bé đầy những ảnh “nóng” tự chụp bằng webcam, mắt mũi trợn ngược trông thật kinh khủng”.

Thực tế hiện nay trẻ lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ lảng tránh mối giao tiếp với những người thân. Nhiều gia đình cấm trẻ dùng các phương tiện này, nhưng xem ra đây là cách làm cực đoan không mang lại hiệu quả.

Anh Nguyễn Văn Minh, ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng xót xa: “Tôi có cậu con trai năm nay học lớp 9, cháu rất hiếu động và thích tìm tòi, khám phá những điều mới lạ. Nghỉ hè, thời gian rảnh rỗi nhiều nên hễ ở nhà một mình là cháu lại dán mắt xem phim hoạt hình, hoặc chơi điện tử. Mấy tuần nay tôi đã khoá máy tính không cho sử dụng nhưng cháu tỏ thái độ tiêu cực không nói chuyện, nhịn ăn, đòi bỏ nhà đi bụi. Tưởng cháu “đóng kịch” để hù doạ ai ngờ mấy hôm trước, nhân lúc vợ chồng tôi đi làm, cháu xách ba lô bỏ nhà đi. Vợ tôi khóc ngất lên, ngất xuống gọi điện thoại nhưng cháu tắt máy. Được 2 hôm cháu mò về với thân hình tiều tuỵ. Chúng tôi rất đau khổ khi phát hiện ra cháu đã tập hút hít và sử dụng một số từ đệm cộc lốc, thiếu văn hoá trong cách nói chuyện. Vợ chồng tôi gặng hỏi mãi thì cháu trả lời thản nhiên: “Vì con muốn xem cảm giác đi “dạt nhà” thế nào”…

Đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, nhiều trẻ chỉ thích tách xa cha mẹ, sống theo cách riêng, từ chối sự quan tâm của cha mẹ nhằm khẳng định cái “tôi” của mình, quan tâm đến bạn bè hơn là cha mẹ. Ở độ tuổi này các em có thay đổi cả về thể chất lẫn nhận thức, ương bướng hay cãi lại và thích làm những gì chúng muốn.

 Cha mẹ nên quan tâm, gần gũi con cái
Theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú - Trưởng Phòng khám về sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên: “Nếu cứ để cho trẻ thích chơi đâu thì chơi, thích làm gì thì làm, thậm chí là ngồi trước máy tính chơi game cả ngày là vô cùng nguy hiểm. Có gia đình do bố mẹ quá bận rộn nên khi con nghỉ hè họ đã phó mặc cho người giúp việc quản lý giờ giấc ăn, ngủ, vui chơi của trẻ. Điều này đã khiến không ít trẻ trốn nhà ra các quán internet chơi game, chát chít thậm chí có em còn bỏ nhà rồi nói dối bố mẹ là đến nhà bạn dự sinh nhật, hay thăm bạn bị ốm. Điều quan trọng nhất trong quản lý trẻ là sự nghiêm khắc khi các con còn nhỏ, hướng chúng sống, học tập, sinh hoạt, vui chơi có nề nếp, tự giác, tự chủ được bản thân và biết nghe lời.

"Tuy nhiên, có không ít gia đình ngay khi vào hè đã sắp xếp một lịch học khá dày đặc cho con. Việc không có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn sẽ khiến trẻ không có điều kiện tốt để phát triển thể chất và tinh thần. Sự căng thẳng có thể gây tâm lý chán học, sợ đến trường, nhất là đối với những học sinh có học lực trung bình hay yếu, kém. Nghiêm trọng hơn, áp lực từ việc học tập quá tải có thể gây trạng thái tâm lý lo âu, trầm cảm, suy nhược.  Do đó, để quản lý trẻ khi nghỉ hè, hàng ngày các bậc phụ huynh cần lên kế hoạch cho con về các việc trong gia đình và phải kiểm tra xem chúng có thực hiện hay không.

Nếu trẻ thực hiện tốt thì nên ghi nhận, động viên hay khuyến khích như mua một vài món đồ trẻ thích, vài cuốn truyện hay một chuyến đi chơi cả nhà. Cha mẹ cũng có thể cho con chơi game trong một khoảng thời gian nhất định. Khi con xin đi chơi với bạn, các phụ huynh phải trao đổi xem con đến nhà ai, chơi với ai đồng thời quy định giờ phải về nhà. Kiên quyết nói không với việc vào quán bar, hút thuốc lá… của con trẻ. Khi con có những biểu hiện tiêu cực, cha mẹ cần ngồi lại nói chuyện thẳng thắn với con, cho chúng tự lựa chọn hình thức kỷ luật, tuyệt đối không nên đánh mắng, chửi bới sẽ gây ra tâm lý bất mãn, hận thù trong trẻ. Trong trường hợp cha mẹ cảm thấy khó xử thì có thể đưa con đến các trung tâm tư vấn hỗ trợ tâm lý để nhờ các nhà chuyên môn giúp đỡ, tránh trường hợp “già néo đứt dây”...