Tránh tình trạng "vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung"

ANTD.VN -  “Cần khắc phục triệt để những hạn chế về thể chế, chính sách để tạo lập một khuôn khổ pháp lý ổn định, có sức sống lâu bền, tránh tính trạng vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung”.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, Luật Đầu tư công  lần này cần đánh giá toàn diện, phải bao quát được đầy đủ những vấn đề thực tiễn đặt ra

Mở đầu bài thảo luận của mình về dự án Luật Đầu tư công  tại hội trường Quốc hội vào chiều nay (16-11), ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐBQH Hà Nội) nói, về tính ổn định của văn bản, Luật Đầu tư công là văn bản pháp lý quan trọng, có liên quan trực tiếp tới nguồn lực ngân sách, An ninh tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, theo ĐB Mai, đây cũng là một Luật có đời sống ngắn nhất vì chỉ mới áp dụng 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung và một số quy định chưa bao quát được hết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

“Luật Đầu tư công lần này cần đánh giá toàn diện, phải bao quát được đầy đủ những vấn đề thực tiễn đặt ra; cần khắc phục triệt để những hạn chế về thể chế, chính sách để tạo lập một khuôn khổ pháp lý ổn định, có sức sống lâu bền và tránh tính trạng vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung”, ĐB Mai nói.

Liên quan tới phạm vi sửa đổi, ĐB Mai cho biết, còn nhiều ý kiến khác nhau, một số ý kiến cho rằng chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, một số ý kiến khác cho rằng cần sửa đổi toàn diện.

“Vấn đề không phải là sửa đổi toàn diện hay là chỉ sửa đổi một số điều mà quan trọng là phải chọn những vấn đề thực sự cần thiết, bức xúc để đưa vào phạm vi sửa đổi. Tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật những quy định chưa được đánh giá kỹ lưỡng”, ĐB Mai nhấn mạnh.

Từ đó, ĐB Mai kiến nghị cần phân định, bóc tách cụ thể những hạn chế nào liên quan tới cơ chế, chính sách và thể chế, pháp luật, những hạn chế nào do con người, do quá trình tổ chức thực hiện. Cần lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt từ phía cơ sở. Qua giám sát thực tế, nhiều ý kiến từ địa phương là đúng đắn.

Về quản lý nguồn lực ODA, ĐB Mai kiến nghị cần lắng nghe ý kiến của các nhà tài trợ. Thứ ba, cần nghiên cứu, vận dụng một cách hợp lý kinh nghiệm quốc tế. Chúng ta không nên duy trì mãi “cái gọi là đặc thù” nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay. Trong lần sửa đổi này, cần đưa vào 3 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, liên quan tới thể chế, chính sách. ĐB Mai đề nghị cần đưa vào dự thảo luật những quy định nhằm thể chế hoá đường lối chính sách của Đảng, cụ thể là tại Nghị quyết Trung ương 5.

Tại Nghị quyết trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã nêu rõ 2 nhiệm vụ: “Hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế, đổi mới cách thức lựa chọn dự án đầu tư theo mức độ hiệu quả kinh tế. Xác định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cơ quan tổ chức với hiệu quả kinh tế của các dự án”. Tuy nhiên, theo ĐB Mai, nếu đối chiếu với dự thảo luật thì 2 yêu cầu này chưa thể hiện được.

“Cụ thể, dự thảo luật còn thiếu vắng tiêu chí lựa chọn dự án, chưa gắn việc phân bổ nguồn lực với hiệu quả đầu ra. Đồng thời dự thảo cũng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân đối với hiệu quả dự án. Nhất là trường hợp đầu tư không hiệu quả gây thất thoát lãng phí”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Chính vì vậy, ĐB Mai kiến nghị trong lần sửa đổi này cần bổ sung các tiêu chí đánh giá dự án và tính hiệu quả đầu ra. Cương quyết không đưa vào dự thảo luật những dự án chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế xã hội, không phân bổ cho các dự án ở giai đoạn sau nếu chưa làm rõ hiệu quả đầu tư ở giai đoạn trước.

Nhóm vấn đề thứ hai cần bổ sung vào dự thảo luật là quy định về thẩm quyền. Thời gian qua việc thiếu vắng các quy định về thẩm quyền đã gây ra không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Nhóm vấn đề thứ ba là thời hạn giải ngân. Theo ĐB Mai, hiện nay luật hiện hành kéo dài thời hạn giải ngân 2 năm, trong trường hợp cần thiết thì kéo dài thời hạn lên tới 5 năm.

“Đây chính là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ của dự án… Chính vì vậy, thời hạn kéo dài giải ngân chỉ nên thực hiện trong thời hạn tối đa là 2 năm. Nếu như không thực hiện nghiêm quy định này thì có thể thu hồi dự toán”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị.