Ghi nhận tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV:

Tranh luận và kỳ vọng những chuyển biến tích cực

ANTD.VN -

Tranh luận sôi nổi ở nghị trường 

Tranh luận và kỳ vọng những chuyển biến tích cực ảnh 1Việc triển khai dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai) cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm trong những ngày qua 

Để điểm lại dấu ấn đáng nhớ ở nghị trường Quốc hội tuần qua, chắc hẳn đó là phát biểu và tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) và đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) về vấn đề “thế nào là nhân tài, làm sao trọng dụng được nhân tài?” khi thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. 

Ngay sau khi đại biểu Lê Thanh Vân nêu 3 tiêu chí chọn người tài của Bác Hồ mà chúng ta cần học tập (Hỏi bạn học xem người ấy có giỏi không? Hỏi hàng xóm xem người ấy có hiếu lễ với cha mẹ, hiếu đễ với anh em không? Hỏi xem người đó nếu như hoàn thành công việc được giao phó thì là người có tài), đại biểu Dương Trung Quốc đã tranh luận và nêu quan điểm “nhân tài nên hiểu là năng lực của mỗi con người”. Theo ông Dương Trung Quốc, chúng ta không nên nhắc lại câu chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây hơn 70 năm bởi thời đại đã thay đổi nhiều, quan trọng nhất là chúng ta đánh giá con người phải thể hiện đi cùng với đó là chính sách đãi ngộ. Không đồng tình, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đã giơ biển tranh luận và khẳng định tư tưởng, cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị của nó cho dù nhiều chục năm trôi qua. 

Dường như do không đủ thời gian để tranh luận thêm tại nghị trường, bên hành lang Quốc hội ở phiên họp sau đó, đại biểu Dương Trung Quốc đã nói thêm” với báo chí về vấn đề này. Ông lý giải, điều quan trọng nhất, sâu sắc nhất trong tư tưởng dùng người tài của Hồ Chí Minh là dùng đúng người, đúng lúc, đúng chỗ, đồng thời nhấn mạnh: “thời đại bây giờ đã khác, ngay cả yêu nước cũng khác nên đừng lấy chuẩn cũ áp dụng cho hiện nay”.

Tương tự, phiên thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi) ở hội trường Quốc hội sáng 23-10 cũng sôi nổi  không kém với phần tranh luận của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) với đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) về việc có nên mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa. 

Kỳ vọng vào những chuyển biến tích cực

Dù mới chỉ kết thúc tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 8, song với khí thế và tinh thần của một Quốc hội đang chuyển mạnh từ tham luận sang tranh luận, nhiều đại biểu Quốc hội kỳ vọng đây sẽ là một kỳ họp thực sự chất lượng. Điều quan trọng hơn là từ những chuyển biến trong nghị trường Quốc hội phải được thể hiện thành những chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng pháp luật, quản lý, điều hành phát triển kinh tế xã hội và quyết định những vấn đề đại sự của đất nước.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên - Huế) chia sẻ, qua báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của Chính phủ trước Quốc hội, ông rất vui mừng về các chỉ tiêu kinh tế mà Chính phủ đã đạt được so với mục tiêu đề ra; đặc biệt là về tăng trưởng GDP vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao. 

“Tôi kỳ vọng vào những tháng còn lại của năm 2019, các chỉ tiêu sẽ tiếp tục đạt kết quả tốt, tạo tiền đề cho kinh tế phát triển mạnh trong năm 2020. Thời gian còn lại của năm không nhiều, Chính phủ cần có những chỉ đạo, giải quyết triệt để những khó khăn còn tồn tại. Cùng với đó, xem xét lại các dự án, nhất là các dự án quan trọng về vấn đề giải ngân, đầu tư, lựa chọn nhà thầu như đường cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành. Chính phủ cũng cần quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác như trái phiếu Chính phủ, ODA…”, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa kỳ vọng.

Quan tâm hơn đến công tác xây dựng luật, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) chia sẻ, ông đặt nhiều kỳ vọng vào việc kỳ họp này sẽ thông qua được Bộ luật Lao động (sửa đổi) vì đây là Luật có tác động lớn đến việc thực hiện các cam kết mà Việt Nam tham gia với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động cả nước.

Còn đại biểu Hoàng Đức Thắng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, kỳ họp thứ 8 là kỳ họp cuối năm và năm 2019 cũng là năm bản lề triển khai kế hoạch 5 năm 2016-2020. Vì thế, ông kỳ vọng các đại biểu Quốc hội sẽ tranh luận sôi nổi, Quốc hội sẽ phân tích, mổ xẻ đầy đủ những bài học kinh nghiệm trong thời gian vừa qua, chỉ ra được những khó khăn, vướng mắc, những “điểm nghẽn” để từ đó tháo gỡ được các khó khăn này, tạo tiền đề cho năm 2020 đất nước sẽ về đích, hoàn thành toàn diện kế hoạch 5 năm 2016-2020.