Tràn lan mỹ phẩm giả

(ANTĐ) - Trong 1 tuần (từ 6-11-2009 đến nay) triển khai quyết định của BCĐ 127 thành phố Hà Nội về kiểm tra, xử lý mặt hàng mỹ phẩm, các tổ công tác liên ngành CATP, QLTT, Dược, đã phát hiện, xử lý gần 10 trường hợp sai phạm.

Tràn lan mỹ phẩm giả

(ANTĐ) - Trong 1 tuần (từ 6-11-2009 đến nay) triển khai quyết định của BCĐ 127 thành phố Hà Nội về kiểm tra, xử lý mặt hàng mỹ phẩm, các tổ công tác liên ngành CATP, QLTT, Dược, đã phát hiện, xử lý gần 10 trường hợp sai phạm.

Cán bộ QLTT kiểm tra cửa hàng mỹ phẩm có sai phạm

Cán bộ QLTT kiểm tra cửa hàng mỹ phẩm có sai phạm

“Sờ” đâu cũng thấy sai phạm

Chưa đầy 1 tháng sau khi Đội QLTT số 16 kiểm tra, lập biên bản vi phạm nhãn mác hàng hóa đối với 2 cửa hàng mỹ phẩm Long Phương và Hoàng Lan (đều ở quận Long Biên), ngày 10-11, tổ công tác Đội Chống buôn lậu - Phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV, CATP Hà Nội phối hợp với Đội QLTT số 1 đã kiểm tra, thu giữ hơn 10 kiện mỹ phẩm nhập lậu tại 2 cửa hàng này.

Số hàng bị tạm giữ gồm dầu gội đầu, sữa tắm, thuốc nhuộm tóc, kem dưỡng tóc, thuốc ép tóc… trị giá khoảng 20 triệu đồng mang nhãn mác do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ cũng như giấy phép lưu hành của cơ quan quản lý y tế. Lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, ngoài khoảng 70 doanh nghiệp nhập khẩu, 20 cơ sở sản xuất, trên 100 cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, nỗi lo lớn nhất về nguy cơ mỹ phẩm giả, nhập lậu nằm ở hơn 400 cửa hành kinh doanh, tập trung chủ yếu tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa.

“Ngoài những đường dây nhập lậu mỹ phẩm mà chúng tôi phát giác qua công tác trinh sát, có thể thấy phần lớn các cửa hàng mỹ phẩm khi bị kiểm tra đều có sai phạm”, ông Kiều Đình Tuân - Đội trưởng đội QLTT 16 khẳng định. Có 3 sai phạm điển hình ở các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm là không có giấy phép lưu hành của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế; không có tem nhãn phụ, và hàng nhập lậu. Trong các sai phạm này, đáng lo ngại nhất là hàng nhập lậu, bởi nó luôn đồng hành với nguy cơ hàng giả.

Đơn cử như ngày 14-10, lực lượng QLTT kiểm tra, phát hiện 2 cửa hàng tại C2 Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) và phố Hàng Điếu (quận Hoàn Kiếm), bày bán gần 200 sản phẩm mỹ phẩm như kem dưỡng da, phấn, nước hoa, dầu dưỡng tóc giả các nhãn hiệu “L’Oréal”, “Maybelline”, “Lancôme”. Không chỉ bày bán công khai các sản phẩm nhái, giả, nhiều cửa hàng không “ngại” việc trưng trên biển hiệu của mình dòng chữ là “đại diện” cho hãng mỹ phẩm nổi tiếng X, Y nào đó. 

Mỹ phẩm lậu nhập từ đâu về? Theo chỉ huy Đội Chống buôn lậu - Phòng CSĐT tội phạm về trật tự QLKT&CV, CATP Hà Nội, không dưới 90% mỹ phẩm lậu có xuất xứ từ Trung Quốc; nó được đưa vào Việt Nam qua các đường tiểu ngạch ở cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái. Do kích cỡ nhỏ gọn nên mỹ phẩm thường được xé lẻ, để lẫn với các loại hàng tiêu dùng khác. Về đến Hà Nội, mỹ phẩm được chuyển vào các kho, rồi mới phân phối cho các đại lý. Theo ghi nhận của lực lượng QLTT, “kỷ lục” kho hàng chứa mỹ phẩm lậu bị phát hiện đến thời điểm này là trên 4 tấn.

Cùng với việc nhập lậu đại trà, có những loại mỹ phẩm, nhất là mỹ phẩm nổi tiếng, được sản xuất theo đơn đặt hàng với tư nhân ở nước ngoài, sau đó đưa về Việt Nam bán dưới dạng “hàng xách tay”. Tất nhiên, khi lưu hành, những mặt hàng “xách tay” này sẽ được bày bán lẫn với hàng “xịn”, có đầy đủ giấy tờ, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. “Trò” hàng lậu bán xen hàng thật này từng bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện tại hệ thống cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm “Tiến Thời”, trụ sở ở các địa bàn Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

Người tiêu dùng lĩnh đủ

Thường trực BCĐ 127 thành phố cho biết, từ năm 2008 đến nay, các lực lượng Công an - QLTT phối hợp với nhau đã phát hiện, xử lý hơn 50 vụ kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, trị giá hàng tịch thu lên đến hàng tỷ đồng.

Việc xử lý các hành vi vận chuyển, kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu hiện bị đánh giá còn quá nhẹ. Cho đến thời điểm này, các vụ việc bị phát hiện chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, lợi nhuận của hoạt động kinh doanh mỹ phẩm khá cao, nên không ít người kinh doanh cố tình vi phạm. Chế tài yếu cộng với sự thiếu đồng bộ trong trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm về mỹ phẩm khiến thị trường này gia tăng phức tạp. Cục Quản lý dược - Bộ Y tế là cơ quan quản lý về chất lượng, cấp phép lưu hành nhưng rất ít khi phát hiện vi phạm.

Các lực lượng Công an, QLTT, Thanh tra y tế… chỉ ra quân theo chiến dịch, làm điểm chứ chưa thanh kiểm tra đồng loạt toàn địa bàn thành phố. Công tác này khi đặt vấn đề với cấp cơ sở là phường, thị trấn thì càng… ngao ngán hơn, bởi lý do thiếu người, thiếu chuyên môn. Thị trường mỹ phẩm đã và đang tồn tại nhiều phức tạp, do công tác quản lý. Để cuối cùng, thiệt hại, nguy cơ từ sản phẩm này khiến người tiêu dùng lĩnh đủ.

Minh Hà