Trăm năm "trồng người"

ANTD.VN - “Tránh ngứa trên đầu lại gãi dưới chân”, Thủ tướng Chính phủ đã dùng cách nói mộc mạc này để nhắc nhở việc ngành giáo dục-đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, thực tiễn với hàng loạt vấn đề vênh giữa quy mô, số lượng và chất lượng; giáo dục nghề nghiệp chưa gắn với nhu cầu xã hội, sinh viên ra trường khó tìm được việc làm. Đây cũng chính là đòi hỏi bức thiết mà dư luận xã hội hết sức quan tâm.

Để nói về công cuộc đổi mới giáo dục đang được ngành giáo dục triển khai, người đứng đầu Chính phủ lại bắt đầu từ những việc tưởng chừng nhỏ bé. Thay vì tập trung truyền đạt kiến thức, các trường phổ thông cần lo nhiều hơn tới việc hình thành nhân cách, văn hóa cũng như kỹ năng sống cho học sinh.

Làm sao phải dạy các em những việc nhỏ, nhưng cần thiết, như: biết kính trên nhường dưới, biết sống có ích, biết cách hòa đồng với tập thể, xã hội, yêu quê hương, đất nước, có lòng tự hào dân tộc. Đây cũng là định hướng “phát triển nhân cách, kỹ năng” và tăng tính phân luồng học sinh sau bậc trung học mà Bộ GD-ĐT đang mở rộng. 

Tuy nhiên, nhìn vào toàn bộ cỗ máy giáo dục-đào tạo, lãnh đạo Bộ này cũng thừa nhận một loạt bất cập cần xử lý khi quy mô tuyển sinh tỷ lệ thuận với nguồn thu của các trường đại học, cơ chế kiểm soát chuẩn đầu ra, thông tin con số sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp chưa đủ độ tin cậy…

Xu hướng tăng quy mô về số lượng không tương xứng với sự đảm bảo chất lượng là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, từ năm học tới Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ tiếp tục giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo, song, tự chủ phải theo đúng năng lực.

Các cơ sở đào tạo buộc phải quy định rõ ràng các chuẩn về chất lượng. Đặc biệt, chuyển từ quản lý chất lượng đầu vào sang quản lý chất lượng đầu ra. Bộ sẽ xây dựng lộ trình kiểm định chất lượng, mức học phí để xã hội và người học giám sát.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo là đòi hỏi bức xúc hàng đầu của cả xã hội cũng như của nền kinh tế. “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người”, trọng trách xã hội giao phó cho ngành giáo dục-đào tạo thật là nặng nề.

“Trồng người” có ích cho xã hội, không phải đơn thuần là in ra bằng cấp rồi cấp phát đúng thủ tục quy định mà quan trọng, nguồn nhân lực đào tạo ra cốt sao đạt được “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, cốt sao người đi học tốt nghiệp ra có ích cho xã hội, tìm được việc làm và cơ hội nghề nghiệp phù hợp, thế đã là tốt đẹp rồi.

Đó chính là những mong ước giản dị mà thiết thực của hàng triệu gia đình có con em cắp sách tới trường và người dân không mong gì hơn ở đổi mới giáo dục - đào tạo.