Trái tuyến, học thêm trở thành chủ đề chống tham nhũng
(ANTĐ) - “Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục” vừa được bàn thảo giữa cơ quan quản lý Nhà nước với đại diện các nhà tài trợ nước ngoài ngày 28-5. Việc dạy thêm, học thêm, chạy trái tuyến được coi như một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng tham nhũng trong ngành giáo dục. Bởi vậy tham nhũng trong giáo dục là mối đe doạ đối với mục tiêu phát triển bền vững.
Tuyển sinh đào tạo cũng là một trong những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực |
71% phụ huynh sẵn sàng chi tiền để nhờ vả
Để có được những thông tin đóng góp trong cuộc đối thoại, thanh tra Chính phủ đã tiến hành khảo sát 3 hiện tượng ẩn chứa nguy cơ tham nhũng cao. Đó là tuyển sinh đầu cấp - dạy thêm - thu phí ngoài quy định dành cho nhóm học sinh tiểu học và THCS tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, Hà Nội là thành phố có nhiều học sinh học trái tuyến nhất. Để thoả mãn nhu cầu cho con vào trường có chất lượng, 71% phụ huynh sẵn sàng chi tiền để nhờ vả.
Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, ông Ngô Mạnh Hùng cho biết, kết quả thanh tra đã phát hiện 7 dạng sai phạm cơ bản trong lĩnh vực giáo dục như dạy thêm học thêm, tuyển sinh và công tác đào tạo, chuyển trường chuyển lớp, trong các lĩnh vực tài chính, đầu tư xây dựng, xuất bản sách giáo khoa và công tác tổ chức cán bộ.
Ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thừa nhận hành vi vi phạm trong tuyển sinh đầu cấp thường xảy ra ở các khâu: có gian lận về hồ sơ, tiêu cực trong việc xét tuyển sinh trái tuyến ở khu vực thành phố, thị xã; gian lận về các điều kiện xét tuyển đặc biệt trong công tác cử tuyển ở một số tỉnh miền núi và tuyển sinh các lớp hệ không chính quy ở các cơ sở giáo dục và các địa phương... Các hành vi vi phạm trong khi thực hiện các khoản thu chủ yếu là tự đặt ra các khoản thu đầu năm, đầu cấp ngoài quy định; mượn danh nghĩa hội cha mẹ học sinh và các đoàn thể để ép đóng góp; thực hiện thu học phí của các lớp không chính quy...
Theo Cục Chống tham nhũng, Thanh tra chính phủ “Các sai phạm xảy ra trong lĩnh vực giáo dục mặc dù là cá biệt, giá trị không lớn song cũng đã gây nên hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với một số cơ sở giáo dục, ảnh hưởng đến uy tín của một bộ phận các nhà giáo, cán bộ quản lý trong ngành, tạo nên những vật cản cho quá trình phát triển của giáo dục nước nhà”.
Chấp nhận tham nhũng “vặt”
“Bộ GD-ĐT có nói chỉ còn một số tham nhũng có quy mô nhỏ trong ngành. Nhưng tình hình khảo sát lại cho thấy điều ngược lại” - đại diện Đan Mạch bày tỏ quan điểm. Theo đó, có tới 83,5% giáo viên tham gia khảo sát cho rằng lương giáo viên quá thấp so với nhu cầu của họ. Đồng thời phần lớn phụ huynh chấp nhận bỏ thêm chi phí để cho con có được điều kiện học tốt hơn. Như vậy, cả 2 phía “đưa” và “nhận” đều sẵn sàng. Trước thực trạng về tiền lương của cán bộ, giáo viên còn quá thấp, ông Rolf Bergman - Đại sứ Thụy Điển nhấn mạnh việc nhận tiền dạy thêm, nhận tiền chạy trường là chuyện đương nhiên vì vậy giải pháp tăng lương sẽ giúp giảm bớt tham nhũng nhưng cũng chưa phải là biện pháp đủ mạnh để triệt tiêu tham nhũng trong giáo dục
Về nguyên nhân chống tham nhũng trong giáo dục chưa đủ mạnh, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét “dường như mọi người cảm thấy vẫn chấp nhận được ở mức độ nào đó tình trạng tham nhũng “vặt” trong giáo dục”. Theo đó, các nhà tài trợ nước ngoài đều cho rằng cần có cơ chế bảo hộ để khuyến khích người dân nhận thức và tham gia chống tham nhũng. Về vấn đề này Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết: “Hiện cơ chế để bảo vệ những người có hành động tố cáo hoặc dám chống tham nhũng, chống tiêu cực chưa đầy đủ, rõ ràng.
Luật Khiếu nại tố cáo cấm các hành vi trả thù, trù dập, trả đũa người dám tố cáo. Tuy nhiên, các hành vi trả thù, trù dập thường rất phức tạp và tinh vi. Việc trả thù đó hoặc chúng ta chưa thấy hoặc thấy rồi nhưng chưa có căn cứ để xử lý. Vì thế, trong cơ chế sắp tới, những vấn đề này cần được quy định rõ”. Ngoài ra, một trong những biện pháp phòng chống tham nhũng được nhấn mạnh là việc tăng cường quyền tiếp cận thông tin của công dân đối với hoạt động giáo dục đào tạo cũng như vai trò của xã hội dân sự, đảm bảo cho báo chí có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong công tác này.
Vinh Hương
Xử lý 23 hành vi tham nhũng trong giáo dục Theo Bộ GD-ĐT, từ năm 2006 đến nay có 23 hành vi tham những đã bị phát hiện và xử lý trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có 8 trường hợp xảy ra tại các cơ sở giáo dục thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT, 2 trường hợp tại các cơ sở thuộc quản lý của bộ ngành khác và 13 trường hợp tại các cơ sở thuộc quản lý của địa phương. Các vụ việc tiêu biểu gồm vụ một giáo viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên nhận tiền của sinh viên để phô tô bài giải thi hết môn với số tiền 24,2 triệu đồng. Tại ĐH Nông lâm TP.HCM năm 2009 đã xử lý kỷ luật một trưởng khoa vì có sai phạm trong việc quản lý kinh phí các lớp đào tạo liên kết tại đơn vị. Sở GD-ĐT An Giang đã xử lý kỷ luật 4 hiệu trưởng, 3 kế toán, 4 thủ quỹ đã vi phạm trong quản lý tài chính để vụ lợi, đề nghị khởi tố 1 vụ tham ô trên 700 triệu đồng tại trường THPT Xuân Tô. Sở GD-ĐT Hà Nội đã xử lý kỷ luật hiệu trưởng và một số cán bộ giáo viên tại trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc vì có hành vi gian lận, bớt xén chế độ của học sinh bán trú để vụ lợi... |