tT“Viết thư gửi các chiến sĩ canh giữ biển đảo quê hương 2014”:

Trái tim nhỏ tràn đầy yêu thương!

ANTĐ - Sau gần 3 tháng phát động, cuộc thi “Viết thư gửi các chiến sĩ canh giữ biển đảo quê hương” do Báo An ninh Thủ đô phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội phát động đã tìm ra chủ nhân của 20 lá thư hay nhất. Lễ trao giải đã diễn ra vào sáng qua 28-9 tại hội trường Báo ANTĐ, trong không khí ấm áp và cảm động.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi và Đại tá 
Đào Lê Bình Tổng biên tập Báo ANTĐ trao giải Nhất cuộc thi

Dù 9h sáng lễ trao giải mới diễn ra nhưng nhiều em đã giục ông bà, cha mẹ đưa đến Báo ANTĐ từ rất sớm. Trong số ấy có bà cháu em Chu Hồng Ngọc – trường Tiểu học Nhật Tân. Bà nội Hồng Ngọc kể từ tối qua, em đã háo hức không ngủ, còn sắp sẵn hai túi quần áo to và đòi đi thăm các chú bộ đội đang làm nhiệm vụ ngoài đảo xa. Để có được lá thư gửi về dự thi, Hồng Ngọc đã phải  viết đi viết lại nhiều lần. Lần thứ nhất vào đúng ngày sinh nhật của em, còn lần thứ hai và thứ ba sau đó nửa tháng. Mỗi lần đang viết mà bị nhòe mực, Ngọc lại cặm cụi ngồi viết lại. Lá thư cuối cùng em hoàn thành vào đúng 12h đêm, viết xong là vội giục bà hôm sau mang ra bưu điện gửi. Trong thư, cô bé học lớp 3 mong được cùng cả nhà ra sống ở ngoài đảo với suy nghĩ hồn nhiên mà cũng rất đáng trân trọng rằng: bà nội sẽ trồng hoa nấu cơm, bố sẽ tập võ cùng các chú bộ đội, còn em sẽ làm bác sĩ chữa bệnh cho các chú. Nhà báo Đinh Hương Bình – Phó Tổng Biên tập Báo ANTĐ, thành viên Ban giám khảo chia sẻ, khi đọc lá thư của Ngọc, chị đã nghĩ đến việc sẽ thuyết phục hội đồng chấm chọn trao một giải gì cũng đặc biệt như chính suy nghĩ của em. Và lá thư sau đó được trao giải Bình chọn dành cho Bức thư ngộ nghĩnh nhất.

Nhà báo Nguyễn Viêm Hoàng Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội
 trao giải “Bức thư do Hội Nhà báo Hà Nội bình chọn”

Trong hội trường của buổi lễ trao giải sáng qua, có rất nhiều cánh thư mộc mạc mà chất chứa tình yêu thương dành cho các chiến sĩ ngoài đảo xa như vậy đã được vinh danh. Đó chỉ là 20 trong số hơn 30.000 lá thư được các em viết giữa lúc triệu triệu trái tim người Việt đang hướng về nơi đầu sóng ngọn gió, nơi các chiến sĩ hải quân, cảnh sát biển và ngư dân đang kiên cường bám biển để bảo vệ Tổ quốc. Ở đó có những mong muốn rất đỗi trẻ con nhưng lại vô cùng thánh thiện: “Cháu ước thành bà Tiên để gieo vào lòng người lớn phía bên kia rằng sao họ lại không muốn hòa bình?”, hay “ước thành Thánh Gióng để ra đảo giúp các chú bảo vệ chủ quyền”… Những dòng chữ mộc mạc, ngây thơ ấy, nói như lời Đại tá Đào Lê Bình - Tổng Biên tập Báo ANTĐ, Trưởng BTC cuộc thi thì: “Tuyệt nhiên chỉ thấy sự yêu thương, có những điều người lớn chúng ta tưởng là ngộ nghĩnh nhưng thật sự đó là những suy nghĩ rất đáng trân trọng”. Cũng bởi vậy mà cuộc thi đã vượt ra khỏi mong muốn ban đầu của những người tổ chức là gợi ý, thúc giục lòng yêu nước của các em. Trái lại, chính các em nhắc chúng ta về lòng yêu thương con người, suy nghĩ về cuộc đời và tình yêu đất nước. 

Thượng tá Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Tổng biên tập Báo ANTĐ 
trao giải Nhì cho các em đoạt giải trong cuộc thi

Có những điều khiến những người có mặt trong lễ trao giải không khỏi xúc động. Ấy là khi các em cùng người lớn đứng lên cất cao giọng hát ca khúc “Tiến quân ca” và cả khi các em ngồi dưới chăm chú nhẩm hát theo từng lời ca khúc “Nơi đảo xa”. Những giai điệu, lời ca như đã ăn sâu vào tâm hồn con trẻ, đánh thức tình yêu biển đảo, yêu đất nước vô bờ trong các em và trong mỗi người dân nước Việt. Nhà văn Phong Thu – Trưởng Ban giám khảo cuộc thi tâm sự dù ông đã ngoài 80 tuổi, mắt mờ, chân chậm rồi nhưng nhiều khi đọc thư của các em viết xong, ông phải đứng dậy và đi với suy nghĩ đi theo các em, dù chỉ là một quãng ngắn bởi: “Các cháu có những suy nghĩ mà thế hệ chúng tôi không có được, đấy là sự chủ động và ý thức tự chủ trong mọi việc. Đó cũng chính là ý chí bảo vệ đất nước khiến người lớn phải chạy theo các cháu”. Cây viết gạo cội chuyên viết cho thiếu nhi nhận định những lá thư mang sắc thái hào khí Thăng Long được truyền từ mấy nghìn năm lịch sử và thể hiện đúng ý chí “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” trong tác phẩm “Bình Ngô Đại Cáo” của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Cũng bởi vậy, ông coi mỗi bức thư ấy là một bông hoa hàm tiếu, có lửa ấm và có cả ánh thép.

Thượng tá An Văn Huân, Phó Tổng biên tập Báo ANTĐ 
trao giải Ba cho các em đoạt giải trong cuộc thi

Cuộc thi khép lại với 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 5 giải Ba, 5 giải Khuyến khích và 7 giải Bình chọn. Có mặt tại lễ trao giải lại càng cảm nhận rõ rệt tấm lòng mà các em gửi vào mỗi cánh thư khi các em chỉ mong sau khi đạt giải rồi, lá thư của mình sẽ được gửi đến tận tay các chú bộ đội đang làm nhiệm vụ ngoài đảo xa. Và mong mỏi ấy cũng là ý định của những người tổ chức cuộc thi khi Đại tá Đào Lê Bình khẳng định sẽ chuyển những lá thư đến tay người nhận. Những phần quà tuy có giá trị nhỏ nhưng nặng đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng: nặng quà (mỗi túi quà có cặp sách, có vở, bút…vì nặng nên các em không tự xách được) và nặng cả tình người, tình cảm gắn kết nhịp cầu thân thương giữa đất liền và hải đảo xa xôi. Và một điều quan trọng nữa là mỗi lá thư ấy đều được chấm chọn không chỉ bằng trách nhiệm của Ban giám khảo mà còn bằng trách nhiệm của một công dân nước Việt Nam.