Trải nghiệm trên "con đường đau khổ"

ANTĐ - Ở một trong những nơi xa nhất của cung đường Tây Bắc, lại là “con đường đau khổ” chặn bước chân người, nhưng chính nơi khó khăn ấy lại là nơi cuốn hút những bước chân khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ, bởi sắc màu cuộc sống đẹp hồn nhiên, thuần hậu của người vùng cao, ấy là xã Mường So, Phong Thổ, Lai Châu.

Từ thành phố Lai Châu, theo quốc lộ 4D đi ngã ba Mường So rồi rẽ vào quốc lộ 100 sẽ đến địa phận Mường So. Đi tiếp theo quốc lộ 100 đến ngã ba giao cắt với tỉnh lộ 132 cũng chính là điểm cuối của xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Với những người yêu du lịch, xã Mường So còn có một tên gọi khác là “xã 100”.

Nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 30km, xã Mường So nổi tiếng là vùng đất sinh cư của người Thái trắng nơi có những nếp nhà sàn hơn trăm tuổi nép vào dòng suối Nậm So quanh năm róc rách khúc nhạc rừng. Tôi đã từng qua bản Vàng Pheo, xã Mường So nằm ngay bên đường quốc lộ trong một chiều nắng đẹp. Dưới bóng chiều ngả xuống của ngọn núi Phu Nhọ Khọ, tại nơi giao thoa giữa hai dòng suối Nậm So - Nậm Lùm, Vàng Pheo hiện lên trên nền xanh của những ruộng lúa hai bên bờ suối, không gian yên tĩnh, thanh bình.

Người Thái trắng ở Vàng Pheo rất hiếu khách. Có nhiều gia đình làm dịch vụ cho du khách ở lại qua đêm. Cũng có nhiều nhà dù không treo biển, du khách vẫn có thể vào xin nghỉ lại, cùng ăn một bữa cơm gia đình bên bếp lửa, thưởng thức những món ăn giản dị, truyền thống mang đậm bản sắc riêng như cá nướng vùi, cá nướng than, măng đắng, thịt gác bếp, gà móc, canh rau suối… hòa cùng hương rượu nếp nương rót trong chén trúc thơm nồng.

Trong hương rượu Vàng Pheo, ngất ngây men say sóng sánh nụ cười cô gái Thái, nơi đây còn nổi tiếng bởi đã sinh ra những người con gái đẹp nhất Mường So và tỉnh Lai Châu.

Người Thái hàng năm đều tổ chức “Lễ hội Nàng Han” để ca ngợi công ơn như như bà Trưng, bà Triệu của người dưới xuôi. Nàng sinh ra, lớn lên ở Vàng Pheo. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng Han vô cùng xinh đẹp đảm đang, dạy người dân kéo sợi, dệt vải, giúp đỡ người nghèo. Rồi giặc xâm lược, nàng Han cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng khắp các bản tập hợp, đoàn kết đánh giặc. Nàng được người dân bản tôn làm nữ tướng. Ðến một ngày dẹp tan quân giặc, nàng trở về mó nước đầu bản, trút bỏ xiêm y đắm mình trong dòng nước xanh mát của quê hương, sau đó bay về trời. Từ đó, người Thái trắng ở Mường So lập miếu thờ bà, mỗi năm đều mở hội, tưởng nhớ công ơn. 

Đến Vàng Pheo, rảo bước trên con đường quanh co trong bản, thấp thoáng bóng váy cóm bên sàn cũng đủ để bước chân lữ khách ngập ngừng, trễ nải chẳng muốn rời.