Trách nhiệm, quyết tâm trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm

ANTD.VN - Có 4 nhóm vấn đề chính với hàng loạt câu hỏi, băn khoăn của các vị đại biểu Quốc hội đã được trao đổi với Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 4-6; liên quan đến công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người, tội phạm liên quan tới hoạt động “tín dụng đen”, băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông; phòng chống tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em. Toát lên trong đó là sự quan tâm của cử tri cả nước - được gửi gắm thông qua các vị đại biểu Quốc hội; cùng những mong muốn một xã hội bình yên, trên cơ sở khung hành lang pháp lý đủ mạnh và lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo vệ pháp luật vừa “chuyên”, vừa “hồng”.

Vỏn vẹn trong thời gian không dài, một buổi sáng, thông qua việc hỏi - đáp giữa các vị đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Tô Lâm, nhưng cử tri, đồng bào cả nước đã cảm nhận, đánh giá được nhiều điều. Trước hết, là tinh thần, ý chí quyết tâm của lực lượng Công an nhân dân luôn trăn trở, bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên của người dân và xã hội. 

Tinh thần và quyết tâm ấy được cụ thể hóa bằng những giải pháp bài bản, chuyên sâu phòng, chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm “nóng”, gây bức xúc dư luận. Trên mặt trận bảo vệ sự bình yên của xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an từng chia sẻ 2 thông điệp, cũng là mệnh lệnh quyết liệt đối với toàn lực lượng Công an. Thứ nhất: kéo giảm tội phạm, giảm phạm pháp hình sự. Thứ hai: ngăn chặn được 1 bánh ma túy, 1kg ma túy vào Việt Nam là giảm được nhiều vụ án hình sự, giảm được nhiều gia đình không có người thân bị xử phạt tù.

Cảm nhận được quyết tâm, cũng đồng thời thấy rõ tâm thế của người đứng đầu lực lượng Công an nhân dân: hết sức thẳng thắn khi đánh giá, nhìn nhận trách nhiệm trong công tác đảm bảo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội. Đấu tranh phòng, chống tội phạm, trước hết và luôn luôn thuộc về trách nhiệm của lực lượng Công an. Xảy ra những loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật “nóng”, gây bức xúc dư luận, lực lượng Công an luôn chủ động nhìn nhận nguyên nhân chủ quan từ nội hàm, để khắc phục, xử lý triệt để; với một tinh thần không bao che cho mọi sai phạm, và công tác xử lý tuyệt đối không có “vùng cấm”. Câu chuyện “trách nhiệm” còn thể hiện rất rõ ràng, chính là yêu cầu “nêu gương” của cán bộ lãnh đạo từng đơn vị, địa phương; tuyệt đối không để xảy ra bức xúc tồn tại kéo dài mà không được giải quyết; cũng như kiên quyết loại bỏ cán bộ có biểu hiện vi phạm, bị đối tượng xấu lôi kéo, cám dỗ.

Công tác - mặt trận đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội chắc chắn sẽ đạt hiệu quả, kết quả tốt hơn nữa, nếu từng tổ chức chính trị đoàn thể, mỗi cấp cơ sở ý thức và thấy được trách nhiệm cộng đồng của mình, để cùng vào cuộc. Không thể thiếu ở đó, là sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt thành của nhân dân đối với lực lượng Công an. 

Không quá xa vời, khó khăn đối với những sự vào cuộc hết sức cần thiết; như tham gia công tác quản lý người lầm lỗi tại cộng đồng; tạo công ăn việc làm cho người có quá khứ lầm lỗi; chủ động phát hiện và báo tin đến cơ quan Công an những hiện tượng bất thường về an ninh trật tự. Hay, sớm hoàn thiện, điều chỉnh những bất cập về pháp lý được kiến nghị trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm, tội phạm, qua đúc rút từ thực tiễn. 

Sự rõ ràng về trách nhiệm, bao giờ cũng vậy, phải đến từ nhiều phía!