Trách nhiệm nặng hơn lá phiếu

ANTĐ - “Lá phiếu thì nhẹ nhưng trọng trách đặt trong đó rất nặng nề”. Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách 50 lãnh đạo cấp cao được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh như vậy, đồng thời bày tỏ: “Do tính chất hệ trọng của việc lấy phiếu, đồng bào, cử tri cả nước đặt niềm tin vào từng vị ĐBQH. Vì vậy, chúng ta phải tiến hành rất thận trọng, khách quan, công tâm, lá phiếu mà chúng ta đánh giá phải chính xác. Từng đại biểu phải có trách nhiệm trước đồng bào”.

Theo tinh thần của Nghị quyết 35 về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, các đại biểu Quốc hội sẽ căn cứ vào báo cáo của các vị được Quốc hội đánh giá, tín nhiệm, ý kiến của đồng bào, cử tri cả nước để quyết định mức độ tín nhiệm với từng vị lãnh đạo. Mỗi vị đại biểu có 30 phút để đánh giá tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Việc đánh giá tín nhiệm là do từng đại biểu đưa ra chứ không phải của Quốc hội, thông qua thảo luận tập thể và biểu quyết công khai. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, những thông tin mà đại biểu tiếp nhận phải loại ra những thông tin chưa đủ căn cứ để đánh giá. Nếu nhầm lẫn thông tin, nghiêng về mặt này, mặt kia, phán đoán thông tin ấy thì kết quả đánh giá sẽ không chính xác. 

Thực tế qua một năm nhìn lại, cho thấy sự chuyển biến tích cực của những vị lãnh đạo được lấy phiếu tín nhiệm. Trong đó, những người được Quốc hội đánh giá là tín nhiệm cao thì cũng coi đó là điều nhắc nhở tiếp tục hoàn thành tốt công việc của mình. Còn những người nhiều phiếu tín nhiệm thấp cũng nhận thức được trách nhiệm của mình. Nhiều ĐBQH cho rằng, chuyển biến tích cực của những người được lấy phiếu trong kỳ họp năm 2013 rất rõ rệt. Dư luận đã chỉ rõ bộ trưởng nào, người đứng đầu ngành nào có nhiều nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục nhược điểm. Đợt lấy phiếu tín nhiệm lần này thuận lợi hơn vì đã có kinh nghiệm. Các đại biểu cũng có thời gian kiểm chứng từ ý kiến cử tri, dư luận xã hội và qua “bộ lọc” của mình để đánh giá một cách khách quan, công tâm. 

Ở một số nước trên thế giới chỉ bỏ phiếu tín nhiệm và không tín nhiệm. Ở nước ta vẫn có bước chuyển tiếp là lấy phiếu tín nhiệm cũng là một bước của bỏ phiếu tín nhiệm để thăm dò mức độ tín nhiệm. Độ tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp đều có tác dụng lớn cảnh báo: trách nhiệm trước dân nặng hơn lá phiếu tín nhiệm.