Trách nhiệm công dân

(ANTĐ) - “Chính phủ nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trước toàn Đảng, toàn dân về kiềm chế lạm phát. Nhưng công cuộc này chỉ có thể đạt được kết quả khi có sự ủng hộ và đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp, của các cơ quan thông tin đại chúng và của toàn thể nhân dân cả nước”.

Trách nhiệm công dân

(ANTĐ) - “Chính phủ nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trước toàn Đảng, toàn dân về kiềm chế lạm phát. Nhưng công cuộc này chỉ có thể đạt được kết quả khi có sự ủng hộ và đồng tâm, hiệp lực của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp, của các cơ quan thông tin đại chúng và của toàn thể nhân dân cả nước”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy trong bài viết như một thông điệp của người đứng đầu Chính phủ gửi tới toàn dân.

Thành công của cuộc chiến chống lạm phát hiện nay mà Chính phủ đặt ra như một ưu tiên hàng đầu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, và một trong những yếu tố quan trọng nhất là sự đồng lòng, quyết tâm của người dân, kề vai sát cánh cùng Chính phủ. 

Ở một góc độ nào đó, mỗi người cần biết chấp nhận cả sự hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung của đất nước.

Nhớ lại cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 1997, cũng như nhiều nước châu á khác, Hàn Quốc bị khủng hoảng kinh tế hết sức nặng nề. Nhằm tháo gỡ khó khăn, Chính phủ Hàn Quốc phải chấp nhận vay khẩn cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) 57 tỷ USD với những điều kiện ngặt nghèo.

Để khắc phục khoản nợ này, Chính phủ đã ra lời kêu gọi áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng”, đề nghị người dân ủng hộ toàn bộ số vàng dự trữ cho Chính phủ vay để trả nợ.

Kết quả là chỉ trong 3 năm (1998-2000), Hàn Quốc vừa trả xong nợ của IMF, vừa khắc phục xong mọi hậu quả của cuộc khủng hoảng và chỉ tới tháng 7-2003, dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc đã đạt mức 133 tỷ USD! Điều này cho thấy người Hàn Quốc luôn đặt tính cộng đồng lên trên hết và sức mạnh tập thể có ý nghĩa quyết định.

“Thắt lưng buộc bụng” là điều mà mỗi người dân cần làm lúc này để hợp sức cùng Chính phủ kiềm chế và đẩy lùi lạm phát. Mỗi người, mỗi gia đình triệt để tiết kiệm tiêu dùng, nhất là nhiên liệu, năng lượng sẽ là giải pháp cơ bản vừa có tác dụng giảm sức ép về cầu, giảm nhập siêu, vừa góp phần nâng cao hiệu quả của cả nền sản xuất xã hội.

Trong bài viết của mình, Thủ tướng khẳng định, chống lạm phát là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự trả giá và đánh đổi.

Đó là điều tất yếu phải chấp nhận, và cái giá phải trả của cuộc chiến kiểm soát lạm phát ít nhất là bằng một tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn, các cơ hội làm ăn ít hơn. Không bao giờ có một gói giải pháp kiềm chế lạm phát làm hài lòng tất cả mọi người; sẽ có ngành, có lĩnh vực phải chịu khó khăn.

Đối với mỗi người dân, “thắt lưng buộc bụng” chính là hành động thiết thực nhất để cùng đưa đất nước vượt qua lạm phát, với sự chờ đợi và đòi hỏi một quyết tâm kiềm chế lạm phát, gương mẫu thắt chặt chi tiêu cũng cao như thế ở tất cả các Bộ, ngành; không thể cho phép lợi ích cục bộ hay lợi ích cá nhân xen vào làm méo mó chính sách.

Thanh Bình