Trả lại sự công bằng

(ANTĐ) - Công bằng, ở bất cứ quốc gia nào, xã hội nào luôn là mục tiêu cao nhất và khó đạt được nhất. Từ chính sách, chủ trương, đường lối, từ việc lớn tới việc nhỏ, công bằng chính là thành quả cuối cùng, là thước đo chuẩn mực nhất của một xã hội ưu việt. Tiến trình cổ phần hóa, mặc dù đã đạt được không ít kết quả và hiệu quả, song đã bộc lộ sự thiếu công bằng.

Trả lại sự công bằng

(ANTĐ) - Công bằng, ở bất cứ quốc gia nào, xã hội nào luôn là mục tiêu cao nhất và khó đạt được nhất. Từ chính sách, chủ trương, đường lối, từ việc lớn tới việc nhỏ, công bằng chính là thành quả cuối cùng, là thước đo chuẩn mực nhất của một xã hội ưu việt. Tiến trình cổ phần hóa, mặc dù đã đạt được không ít kết quả và hiệu quả, song đã bộc lộ sự thiếu công bằng.

Nghị định 109/CP về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, vừa được ban hành cuối tháng 6 vừa qua, là một cú đột phá. Điểm mấu chốt của Nghị định là gì? Đó là: Giá trị quyền sử dụng đất bắt buộc phải tính vào giá trị doanh nghiệp; quy định rõ ràng việc quản lý, sử dụng tiền từ cổ phần hóa.

Không đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp, vô hình trung đã mang về lợi nhuận “kếch xù” cho doanh nghiệp. Giá trị doanh nghiệp đã cổ phần hóa trước NĐ 109 hầu như được xác định rẻ hơn giá trị những doanh nghiệp sau NĐ 109. Một “lỗ hổng” lớn trong định giá sẽ được bịt kín.

Còn “lỗ hổng” thứ hai? Trong hơn 10 năm cổ phần hóa, chưa hề thấy Bộ Tài chính tổng kết và công khai số tiền thu được là bao nhiêu? Sử dụng vào đâu, hiệu quả ra sao? Đồng tiền thu được từ cổ phần hóa phải được công khai: Đồng tiền không được sử dụng đúng mục đích, không sinh lời, không mang lại hiệu quả, là đồng tiền gì? Tài sản quốc gia thất thoát trong khi doanh nghiệp muốn vay ưu đãi, hỗ trợ đào tạo, nhất thiết phải  làm hồ sơ “xin”  và không phải cứ muốn là được.

Từ nay trở đi sẽ phải thay đổi, sự công bằng phải được lập lại. Tiền thu từ cổ phần hóa phải được đưa vào quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp, quỹ dự phòng trợ cấp mất việc.

Quan trọng hơn, phải dùng đồng tiền đó đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm. Không nên quên rằng, tiền thu được từ cổ phần hóa các doanh nghiệp lớn lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, lớn hơn cả số thuế nội địa của thành phố Hồ Chí Minh, trong khi bao nhiêu dự án cầu đường, bến cảng, đường sắt, đường cao tốc... vẫn phải “chạy vạy” vay nợ nước ngoài.

Có thể nói Nghị định 109/CP là trả lại sự công bằng trong công cuộc cổ phần hóa. Vấn đề còn lại là phải công khai các khoản thu khổng lồ và giám sát đến nơi đến chốn xem đồng tiền ấy “chảy” vào đâu, sử dụng như thế nào?

Đan Thanh