Tổng Thư ký Quốc hội: Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã tiếp thu sau khi thông tin thiếu chính xác về ngành Công an

ANTD.VN - Ngay sau phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội  đã chủ trì buổi họp báo thông tin về kết quả kỳ họp.

Tại buổi họp báo, ông Hoàng Thanh Tùng – Phó Tổng Thư ký Quốc hội đã báo cáo tóm tắt kết quả kỳ họp. Sau đó, nhiều phóng viên báo chí đã đặt câu hỏi về những nội dung liên quan, trong đó đặc biệt quan tâm đến thông tin do đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra trong phiên chất vấn làm “dậy sóng” ngành Công an...

PV: Tại phiên chất vấn vừa qua có cuộc tranh luận giữa đại biểu Nguyễn Hữu Cầu và đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về con số liên quan đến ngành công an khá gay gắt. Sau đó Đảng ủy Công an Trung ương đã có văn bản yêu cầu  Đảng Đoàn xem xét sự việc vì cho rằng số liệu này không chính xác. Hiện việc này đã được xử lý thế nào, thưa ông?

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Về tranh luận của 2 đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và Nguyễn Hữu Cầu, số liệu đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra là không chính xác. Sau khi Đảng ủy Công an Trung ương có văn bản gửi Đảng Đoàn Quốc hội, cấp có thẩm quyền đã đề nghị Ban Dân nguyện mời đại biểu liên quan trao đổi, làm rõ vấn đề. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã có tiếp thu. Tại Trung tâm báo chí, đại biểu Nhưỡng đã thông tin lại với phóng viên báo đài.

Quang cảnh buổi họp báo

PV: Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã được thông qua nhưng chưa quy định việc xử lý tài sản tăng thêm không rõ nguồn gốc. Đây là vấn đề được dư luận quan tâm, các đại biểu thảo luận nhiều lần. Vậy tại sao nội dung này không được đưa vào Luật, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Cường-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Quốc hội đã sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng, các đại biểu biểu quyết thông qua với tỷ lệ cao. Trong Luật có nhiều nội dung đổi mới quan trọng như: mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực tư, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật cũ, từ các biện pháp phòng ngừa như công khai minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác, thanh toán qua tài khoản, quy tắc ứng xử của người có chức vụ quyền hạn…

Đồng thời, Luật cũng bổ sung những nội dung mới liên quan đến việc kiểm soát xung đột lợi ích, hoàn thiện một bước quan trọng chế định kiểm soát tài sản thu nhập.

Hệ thống các cơ quan kiểm soát được kiện toàn, quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về căn cứ xác minh, trình tự, thủ tục xác minh. Qua đó việc xác minh tài sản thu nhập có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Luật còn bổ sung quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản thu nhập.

Liên quan đến việc quy định về xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được, không rõ nguồn gốc chưa được đưa vào Luật, tôi cho rằng, không phải chúng ta không xử lý đối với tài sản dạng này mà vẫn đang xử lý theo hướng, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.

Đồng thời, sẽ chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tăng cường việc xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Đối với người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì dự thảo Luật đã quy định việc xử lý nghiêm khắc hơn so với pháp luật hiện hành.

Luật quy định, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nếu vi phạm sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến; người có nghĩa vụ kê khai khác có vi phạm thì bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên, nếu đã được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

PV: Tại kỳ họp này, Quốc hội đã lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh. Xin hỏi Tổng Thư ký, sau khi kết quả được công bố, Quốc hội có cơ chế nào giám sát đối với những vị có nhiều phiếu tín nhiệm thấp?

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Vừa qua, khi lấy phiếu tín nhiệm, có người có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều. Đây là điều đương nhiên vì hiện mới được nửa nhiệm kỳ. Nhân dân, cơ quan quản lý giám sát và bản thân người đó tự hoàn chỉnh mình, khắc phục tồn tại, phát huy ưu điểm để làm tốt hơn.

Hơn nữa, chúng ta lấy tín nhiệm chứ không phải bỏ phiếu tín nhiệm, nếu có số phiếu tín nhiệm thấp trên 50% người đó phải từ chức; trên 2/3 tín nhiệm thấp thì Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm.