Tổng Thanh tra Chính phủ: Khó thu hồi tài sản tham nhũng nếu đối tượng đã tẩu tán

ANTD.VN - Phát biểu khi thảo luận tổ về nội dung kinh tế xã hội tại Quốc hội sáng nay, 22-5, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, một khi đối tượng đã tẩu tán thì rất khó thu hồi tài sản tham nhũng…

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thảo luận tổ tại Quốc hội

Bên cạnh các nội dung đánh giá về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời gian qua, thảo luận tại các tổ, rất nhiều ĐBQH đề cập đến công tác phòng, chống tham nhũng. Đa số ĐB hoan nghênh, ủng hộ quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước vừa qua song băn khoăn về kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế.

Tại tổ Thái Nguyên, ĐB Hoàng Văn Hùng - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nói: “Cử tri rất quan tâm đến vấn đề phòng chống tham nhũng, đặc biệt là thu hồi tài sản tham nhũng, đi đến đâu cử tri cũng hỏi thu hồi được bao nhiêu rồi?”.

Theo ĐB Hùng, có dự án nhỏ ở vùng cao nhưng gây thất thoát lãng phí bằng cả đóng góp cho ngân sách của một huyện trong 150 năm. “Do đó, báo cáo về phòng chống tham nhũng phải rõ nét, chứ chung chung thế này bà con không yên tâm” – ĐB đoàn Thái Nguyên nói.

Về vấn đề này, phát biểu thảo luận tại tổ Bạc Liêu, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tại kỳ họp thứ 5, Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm tham gia trình 2 luật là Luật Tố cáo (sửa đổi) và Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Và trong dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) thì đúng là vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng được quan tâm nhất.

“Muốn thu hồi được thì phải phát hiện kịp thời, nghĩa là phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm để xử lý, còn để người có hành vi tham nhũng kịp tẩu tán tài sản thì không thu hồi được” – ông Khái nói.

Làm thế nào để nhận diện, kịp thời phát hiện được các hành vi tham nhũng? “Thông thường, những người phạm tội mà có tài sản thì sẽ vung vãi, tiêu xài thoải mái. Cho nên, với những vụ mới có dấu hiệu đã phát hiện thì sẽ sẽ thu hồi được tài sản, không gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản, con người, cán bộ.

Thanh tra Chính phủ và các địa phương phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để làm sao phát hiện kịp thời và có giải pháp ngăn chặn để răn đe thì hy vọng yêu cầu của ĐBQH sẽ đáp ứng được” – Tổng Thanh tra Chính phủ chia sẻ thêm.

Còn tại tổ ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chia sẻ, ông cảm thấy công tác phòng, chống tham nhũng đang tạo được sức lan tỏa trong xã hội, có tác động rất tích cực. Từ cán bộ Trung ương đến địa phương, khi làm việc gì cũng xem lại trách nhiệm cá nhân của mình, hiện nay, sắp tới và quá khứ thế nào.

“Từng đồng chí có suy nghĩ như vậy nên trong thực thi nhiệm vụ chắc chắn có quyết tâm cao hơn, có sự chắc chắn hơn, bám vào quy định của pháp luật để làm. Tôi có niềm tin chúng ta sẽ thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ này” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.