Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Thống nhất cao là cơ sở rất quan trọng để bàn và quyết định nhân sự

ANTĐ - Báo An ninh Thủ đô xin trân trọng gửi tới bạn đọc trích phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12, khóa XI của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tiêu đề do Báo ANTĐ đặt).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Thống nhất cao là cơ sở rất quan trọng để bàn và quyết định nhân sự ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12- khóa XI

Về công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, như các đồng chí đã biết, Hội nghị Trung ương 11 khóa XI (tháng 5-2015) đã thông qua Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Sau Hội nghị Trung ương 11, Bộ Chính trị đã triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc để quán triệt, triển khai Phương hướng công tác nhân sự; Tiểu ban Nhân sự đã ban hành văn bản hướng dẫn về quy trình giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ở các cấp ủy, tổ chức Đảng và cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương.

Đầu tháng 6-2015, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư đã gửi thư đến các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XI, đề nghị từng đồng chí đề xuất ý kiến về cá nhân mình và giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Tiểu ban Nhân sự đã thành lập 168 tổ công tác, gồm một số cán bộ của các ban Đảng Trung ương làm nhiệm vụ theo dõi, nắm tình hình và chứng kiến việc giới thiệu nhân sự ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đến đầu tháng 7-2015 đã có 63 tỉnh, thành phố và 107 ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương thực hiện xong việc giới thiệu nhân sự vòng 1. Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã nghe báo cáo kết quả giới thiệu vòng 1 và cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn nhân sự để giới thiệu vòng 2; về phương pháp, cách làm và việc triển khai thực hiện giới thiệu vòng 2. Trong tháng 8-2015, tất cả các tỉnh, thành phố và ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương đã hoàn thành việc giới thiệu nhân sự vòng 2. 

Nhìn chung, việc tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương ở vòng 1, vòng 2 đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm túc, cơ bản bảo đảm tiến độ, đúng quy trình, hướng dẫn của Tiểu ban Nhân sự; các tổ công tác làm nhiệm vụ theo dõi, chứng kiến việc lấy phiếu tín nhiệm đã thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, trách nhiệm cao. 

Trên cơ sở Phương hướng và Quy trình công tác nhân sự đã được Trung ương thông qua, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị đã họp nhiều lần, thảo luận kỹ dự kiến danh sách giới thiệu ứng cử Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, các phương án lựa chọn, xem xét một cách khách quan, công tâm, toàn diện.

Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị trình Trung ương kết quả giới thiệu nhân sự qua hai vòng của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương. Đề nghị Trung ương bám sát Phương hướng và Quy trình công tác nhân sự, nghiên cứu kỹ các phương án giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII để thảo luận và đóng góp ý kiến. Căn cứ vào kết quả Hội nghị Trung ương lần này, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo việc tiếp tục chuẩn bị, hoàn chỉnh các hồ sơ, xem xét những trường hợp cụ thể, hoàn thiện thêm các phương án về nhân sự để Trung ương xem xét, quyết định vào các hội nghị tiếp theo. 

Cũng tại Hội nghị này, lần đầu tiên, Bộ Chính trị trình Trung ương Báo cáo về công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Trên cơ sở tổng kết công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt từ Đại hội VI đến Đại hội XI, cả về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, độ tuổi, quy trình giới thiệu, lựa chọn, kết quả bầu cử các khóa, việc phân công các chức danh chủ chốt, Báo cáo của Bộ Chính trị đã rút ra một số kinh nghiệm, phương pháp, cách làm và kiến nghị với Trung ương những vấn đề cần áp dụng cho khóa này. 

Đề nghị Trung ương tập trung nghiên cứu kỹ Báo cáo của Bộ Chính trị và các tài liệu nhân sự có liên quan để thảo luận, cho ý kiến về các nội dung này, nhất là về đề xuất tiêu chí xem xét trường hợp "đặc biệt" đối với Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XI tái cử khóa XII; trên cơ sở tiêu chuẩn chung của 4 chức danh lãnh đạo chủ chốt đã nêu tại Phương hướng công tác nhân sự, Báo cáo đã đề xuất tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), về các phương án lựa chọn các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Thống nhất cao về vấn đề này sẽ là cơ sở rất quan trọng để Trung ương bàn và quyết định nhân sự cụ thể ở các hội nghị Trung ương tiếp theo.