Tôn trọng sách cũng là tôn trọng con người

ANTĐ - Thành ngữ có câu “Đọc muôn trang sách, đi muôn dặm đường”, ấy là để chỉ kiến thức bao la cùng sự trải nghiệm mà sách nuôi dưỡng, vun đắp cho tâm hồn mỗi con người. Thế mà, giờ càng đọc thì càng hoang mang, thậm chí hoảng loạn trước cả sách lẫn tác giả cuốn sách.

Tôn trọng sách cũng là tôn trọng con người ảnh 1Hình ảnh minh họa truyện "Sọ Dừa", ấn bản của NXB Hồng Đức. Sách kể, Sọ Dừa được sinh ra là do mẹ uống nước từ sọ người

Có sáng nọ, tôi mở cửa đi làm thì được một anh hàng xóm dúi vào tay một tập phô tô dày cộp, thoáng nhìn đoán cỡ 300 trang. Anh bảo, tiểu thuyết của anh vừa viết xong và nhờ tôi đăng dài kỳ trên báo. Chưa vội từ chối, tôi nhận và hứa với anh đọc xong rồi trả lời. Tất nhiên, có những cây viết nghiệp dư tài năng đáng nể trọng, nhưng số đó rất ít, và đương nhiên, anh hàng xóm nhà tôi thuộc số đông ảo tưởng kia. Rồi chưa kịp để tôi đọc xong, anh đã khoe có nhà xuất bản đồng ý in 1.000 cuốn, được giới thiệu, ra mắt sách hẳn hoi. Chuyện thế rồi bẵng đi, tôi đã đọc xong tiểu thuyết. Đọc một cách nhẫn nại, rồi tôi ngộ ra rằng ai đó nói: “Một cuốn sách dở in ra thì tội ác không khác gì phá rừng” hình như đúng.

Quãng độ hơn chục năm về trước, nghề biên tập viên nhà xuất bản thực sự có uy lại có cả quyền. Quyền sinh quyền sát. Mỗi tác phẩm đều được nâng lên đặt xuống, cân đong đo đếm rất kỹ càng. Nhờ thế mà xưa ít sách nhảm hơn bây giờ chăng? Còn bây giờ, thời sách liên kết lên ngôi, chỉ cần có tiền thì quyền của biên tập viên cũng bé bằng con kiến. Sách còn chưa thiết kế xong bìa thì bên ngoài đã PR ầm ĩ, mạng xã hội được sử dụng như công cụ lây lan “văn hóa đọc” có mục đích. Từ khi có mạng xã hội, rất nhiều sách chẳng đáng đọc lại được đọc có phong trào và đương nhiên những đối tác liên kết kia đủ lọc lõi, thừa thông minh để có thể tận dụng triệt để mọi tính năng “thổi” cho phong trào lan nhanh, lan rộng. 

Sách được ví như nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhưng giờ người ta bỗng đâm nghi ngờ giá trị ấy.

Đình chỉ phát hành sách thiếu nhi có nội dung thô tục

Xung quanh những sai phạm trong tập truyện “Truyện cổ tích Việt Nam”, cụ thể là ở truyện “Thỏ trắng và Hổ xám”, chiều qua, 10-4, ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản in và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Văn bản số 1982 gửi Nhà xuất bản Hải Phòng. Theo nhận định của Cục Xuất bản thì đây là cuốn sách có nội dung thô tục, phản cảm, không phù hợp với việc giáo dục trẻ em. Do đó, Cục này yêu cầu NXB Hải Phòng đình chỉ phát hành cuốn sách để thẩm định lại nội dung đồng thời  tự đề xuất phương án xử lý cuốn sách nói trên, báo cáo kết quả xử lý về Cục trước ngày 21-4.

Sách dạy toán cho học sinh thì đưa ra đề bài rùng rợn: “Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao em bị cụt mất đi 2 ngón tay, hỏi em còn mấy ngón tay” hoặc “Anh A bị chặt cụt đầu lúc anh 40 tuổi, hỏi con cái anh A làm sao”. Lại cũng có cuốn sách “Hỏi đáp nhanh đáp trí” đố trẻ con thế này: “Một người không may bị bệnh chó dại, nhưng anh ta không đến bệnh viện điều trị mà chỉ đi khắp nơi tìm giấy và bút. Vì sao?”. Đáp án: “Để liệt kê danh sách những người muốn cắn”… Danh ngôn La tinh có câu rằng: “Một cuốn sách dù dở đến đâu ta cũng thu lượm được vài điều đặc biệt của nó”, có phải thế chăng mà sau khi thu lượm được “vài điều đặc biệt”, thế hệ trẻ ngày nay bỗng nhiên lười đọc, quay sang chăm lướt mạng xem “Phây” và nghe nhạc Hàn. Và rồi người lớn lại có cớ ồn ào trăn trở hỏi nhau: “Đâu rồi văn hóa đọc?”. Tôi cũng có con nhỏ, tuổi vừa lớp một, cũng muốn khuyến khích con chăm đọc, cẩn thận sách nhảm, mua về cho con một tập truyện cổ tích - cho chắc ăn. Cuốn đầu tiên định bụng đọc cho con nghe là “Sự tích con muỗi” mở sách liếc qua, sách kể về người chồng chích máu tay mình cứu vợ. Vượt qua bệnh hiểm nghèo nhưng người vợ vô tâm kia lại đem lòng yêu một tay lái buôn và rồi ngoại tình với gã. Cổ tích bằng tranh cho trẻ mà nhắc đi nhắc lại hai từ “ngoại tình” khiến tôi đâm nản. Cũng may, chuyện Tấm Cám giờ người ta bỏ đoạn Tấm làm mắm em gái cho dì ghẻ ăn, chứ nếu không thì các ông bố bà mẹ, khi đọc đến đoạn này, hẳn sẽ phải giải thích cho con đến mỏi mồm xung quanh công đoạn làm mắm có một không hai này.

Truyện cổ tích vốn là thứ có nhiều dị bản. Chuyện viết sách và nội dung sách cũng thế, muôn hình vạn trạng, đọc phải tỉnh táo, mua sách phải chọn lựa. Lại xin trích dẫn danh ngôn về sách: “Bạn hãy học cách tôn trọng sách. Bạn hãy nhớ rằng sách là do con người tạo ra, vì vậy bạn tôn trọng sách cũng chính là bạn tôn trọng con người”. Danh ngôn là thế, nhưng khổ nỗi, nhiều cuốn sách bây giờ có tôn trọng người đọc đâu! 

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: Chức năng bắt buộc của văn học là giáo dục

Không phải chỉ là những truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, rất nhiều ấn phẩm hiện nay được biên soạn rất cẩu thả do sự thiếu trình độ của những người làm sách. Trình độ chuyên môn hạn chế, họ chỉ làm sách theo kiểu chụp giật, cẩu thả, vô cùng đáng trách. Chức năng bắt buộc của văn học là giáo dục. Phản ánh hiện thực như thế nào để mang tính giáo dục là vấn đề đầu tiên được đặt ra. Gần đây, chuyện sách với nội dung tục, làm méo mó thẩm mỹ của trẻ em tương đối nhiều. Tôi cho rằng, đã đến lúc phải báo động thực sự trong toàn xã hội. Để con trẻ tiếp xúc với những ấn phẩm như thế này rất nguy hiểm. Các cơ quan quản lý, cần có biện pháp xử phạt nghiêm khắc, thậm chí, cần thiết là đình chỉ hoạt động đối với những đơn vị vi phạm. 

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà Viết cho thiếu nhi cần tấm lòng 

Người viết sách, nhất là viết cho thiếu nhi cần có tấm lòng. Để đi được vào thế giới tuổi thơ là phải trong sáng, nhưng để viết sách cho thiếu nhi phải là những người thạo nghề, thậm chí là rất trải đời mới có thể chia sẻ với tâm hồn trẻ nhỏ. Nói rộng ra, sự xuất hiện ngày càng nhiều những cuốn sách nhảm nhí, không chỉ riêng sách cho thiếu nhi là sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của các nhà xuất bản. Lên án, hay có tiếng nói trong việc này là đương nhiên, tuy nhiên không thể chỉ nói miệng. Thu hồi cũng chỉ là “biện pháp sau”. Trước đó chúng ta phải có những quy chế nhất định nhằm kiểm duyệt, rà soát nội dung các tác phẩm trước khi chúng được xuất bản ra thị trường. 

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy: Độc giả cần “bộ lọc” để không bị “nhiễm độc sách”

Trẻ em bây giờ rất thông minh, cầm một cuốn sách, đọc vài trang, thấy dở là chúng bỏ ngay. Và trong nhiều trường hợp, chính các em lại là người tố giác những cuốn sách chứa những chi tiết, từ ngữ phản cảm, tự nhiên chủ nghĩa... Cho nên, những cuốn sách nhảm nhí, có nội dung phản giáo dục ra thị trường, thì đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất chưa chắc đã phải là các em, mà chính là những đơn vị đã in những cuốn sách đó. Thời đại thông tin, phụ huynh sẽ cạch mặt những cái tên đã được bêu tên trên báo chí trước khi rút ví mua sách cho con. Nói rộng ra, “sách nhảm” là hậu quả của sự buông lỏng quản lý Nhà nước trong hoạt động xuất bản. Thời buổi mà các nhà xuất bản chủ yếu bán giấy phép cho các tác giả và các đầu nậu để lấy doanh thu thì chuyện xuất hiện những ấn phẩm nhảm nhí làm sao tránh khỏi. Nói không ngoa, thị trường sách hiện nay giống như cái chợ Trời, “thượng vàng hạ cám” đều có. Có lẽ, trong khi chờ những điều chỉnh quản lí ở tầm vĩ mô, độc giả cần phải trang bị cho mình một “bộ lọc” đủ khả năng để trở thành những khách hàng thông thái để tự bảo vệ mình và con cái khỏi “nhiễm độc sách”.