Toàn cảnh trước ngày thi tốt nghiệp THPT lần II
(ANTĐ) - Ngày hôm nay, 15-8, Bộ GD-ĐT chính thức chốt số liệu về lượng thí sinh trượt thi Tốt nghiệp THPT lần I sẽ tham gia kỳ thi lần II...
Tập trung vận động, ôn tập cho những thí sinh xấp xỉ điểm đỗ lần I
Đối với các tỉnh có số lượng thí sinh trượt tốt nghiệp lần I lớn như Tuyên Quang, Hòa Bình, Quảng Bình, Bình Phước... thì việc giải quyết hệ quả của thực trạng này đang rất khó khăn.
Ông Vũ Phương - Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Hòa Bình cho biết, tỷ lệ trượt tốt nghiệp lần I của tỉnh Hòa Bình là 67%. Để chuẩn bị cho các em thi tốt nghiệp lần 2 tốt, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp vận động học sinh đến lớp.
Đến thời điểm này, đa số các tỉnh địa phương đã có báo cáo về kỳ thi tốt nghiệp lần II với tỷ lệ thi lại ở khối THPT vào khoảng 90% so với tổng số thí sinh trượt đợt I. Dự báo về kết quả của đợt thi này cũng được đưa ra với cách nhìn rất thực tế: Khoảng 30% thí sinh dự thi có thể tốt nghiệp. |
Lúc đầu các em đến trường học rất uể oải, nhưng do các thầy cô đã tích cực vận động tuyên truyền nên đến gần ngày thi có khoảng hơn 80% các em đến học. Cũng theo ông Phương, khả năng đỗ tốt nghiệp lần II của tỉnh Hòa Bình chỉ khoảng 30%.
Tương tự như vậy, ông Trần Quang Đông, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Bình Phước cho biết, tỉnh cũng đã tổ chức cho các em thi trượt ôn tập, bồi dưỡng kiến thức nhưng cũng phải vận động rất nhiều bởi có một số học sinh cho rằng mình học yếu, dù có ôn tập cũng không đỗ nên không tham gia học ôn.
Hiện tại, mong muốn của người dân có con em đi học là đề thi đợt II này dễ hơn đợt 1 để có thêm cơ hội đậu tốt nghiệp, nhưng nếu làm như vậy sẽ mất đi ý nghĩa của cuộc vận động “2 không”.
Như vậy, nếu ra đề theo tinh thần như đợt I thì số thí sinh đỗ trong đợt II của Bình Phước dự báo sẽ đạt khoảng 30%. Đây cũng chính là tỷ lệ tương ứng với những thí sinh có kết quả thi đạt 27 – 28 điểm, xấp xỉ điểm chuẩn đợt I của tỉnh.
Còn theo ông Đoàn Văn Ninh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Tuyên Quang, việc bổ sung kiến thức của 12 năm học phổ thông chỉ trong vòng 2 tháng là rất khó khăn, nên tỉnh đã chọn biện pháp tập trung nhiều vào các học sinh trong lần thi thứ nhất đã xấp xỉ đạt điểm chuẩn, có khả năng đỗ cao.
Thi tốt nghiệp THPT lần II: áp lực không chỉ với thí sinh. Ảnh minh họa. |
Nan giải việc giải quyết số thí sinh trượt cả 2 lần
Đối với gần 6.000 thí sinh phải thi tốt nghiệp lần II, ông Nguyễn Trí Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cho biết, Sở áp dụng biện pháp cho học sinh thi thử... 5 lần vì “thi chính là cách ôn luyện tốt nhất”.
Tuy nhiên, theo ông Hiệp, để đạt kết quả tốt thì còn nhiều khó khăn, nhất là với huyện Hương Khê, nơi cơn bão số 2 vừa đổ bộ và gây hậu quả nặng nề, trong khi đây cũng là huyện có mức đỗ tốt nghiệp thấp dưới mức trung bình của tỉnh, chỉ có khoảng 65% học sinh đỗ tốt nghiệp.
Việc xử lý những thí sinh không đỗ tốt nghiệp lần II là rất khó. Các em có quyền lưu ban, nhưng nếu để các em lưu ban thì quá tải cho trường học. Hướng giải quyết của tỉnh là sẽ vận động các em tự ôn để năm sau thi tiếp.
Đến thời điểm trước khi thi tốt nghiệp sẽ tổ chức ôn luyện cho các em. Còn Sở GD-ĐT Hòa Bình thì đề nghị với lãnh đạo tỉnh và Bộ GD-ĐT tổ chức cho các em nào có nguyện vọng thi tiếp tốt nghiệp thì được học lại lớp 12. Hơn nữa, để giảm sức ép về mặt xã hội thì cấp cho em chứng chỉ để vào các trường nghề.
Với tỉnh Bình Phước, khó khăn lại ở chỗ đây là tỉnh mới tách lập, chưa có hệ thống trường nghề, Trung tâm hướng nghiệp nên tất cả học sinh tốt nghiệp THCS đều đưa hết vào các trường THPT nên tỷ lệ đậu tốt nghiệp khó có thể cao như những nơi khác. Hướng xử lý được UBND tỉnh thống nhất là cho phép các em được học dự thính lớp 12 để sang năm các em thi lại.
Còn như Tuyên Quang, Sở GD-ĐT đã đề xuất 3 phương án giải quyết đối với số thí sinh thi trượt cả 2 lần: thứ nhất là động viên các em ôn tập để sang năm thi lại. Thứ hai, một số em có nhu cầu học nghề có thể xét tuyển vào các trường TCCN theo hướng vừa học nghề, vừa học bổ túc văn hoá. Cuối cùng, các em có thể lựa chọn con đường đi làm.
Ông Đoàn Văn Ninh cho biết, thực tế những năm trước cho thấy, nhiều thí sinh của tỉnh đã tốt nghiệp cũng không chọn con đường vào đại học mà chọn hướng đi làm tại các khu chế xuất, khu công nghiệp phía Nam.
Như vậy, mỗi địa phương tùy theo điều kiện của mình sẽ phải tự khắc phục khó khăn để đề ra hướng xử lý đối với những em không đỗ tốt nghiệp THPT năm nay. Những biện pháp này sẽ được báo cáo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét và quyết định.
Duy Anh