Tính thang điểm 20 cho bài thi THPT quốc gia 2015

ANTĐ - Chiều 18-12, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2015 sẽ lùi lại một tháng so với kế hoạch ban đầu. Cùng với đó, thay vì tính điểm 10, thí sinh sẽ được cho thang điểm 20 trong bài thi của kỳ thi lần này.

Tính thang điểm 20 cho bài thi THPT quốc gia 2015 ảnh 1Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến diễn ra trong 4 ngày đầu tháng 7-2015

Thêm 1 tháng để ôn tập

Một trong những điểm mới đáng lưu ý nhất trong dự thảo Quy chế kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT công bố chiều 18-12 là dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi này vào các ngày 1, 2, 3, 

4 -7-2015. Giải thích về quy định này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, nếu theo Quyết định 3538/QĐ-BGDĐT thì kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào các ngày 9, 10, 11, 12-6-2015. Tuy nhiên, theo nguyện vọng của đông đảo học sinh và các nhà trường nên kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức đầu tháng 7 như thời gian thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây. Điều này sẽ tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Mặt khác, để các sở GD-ĐT không phải thay đổi kế hoạch năm học đã công bố từ đầu năm, trong đó có việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

Kỳ thi này vẫn tổ chức thi 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ. Dự thảo quy chế lần này nêu rõ, riêng đối với môn Ngoại ngữ: Thí sinh có các chứng chỉ quốc tế có uy tín theo quy định tại Công văn số 6031/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 23-10-2014 sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Trước nhiều ý kiến về việc quy đổi chứng chỉ này thành mức điểm tối đa, ông Mai Văn Trinh lý giải, các chứng chỉ được đặt ra ở mức cao hơn so với chuẩn bậc học. Để khuyến khích thí sinh học tốt môn học này, các em được miễn thi môn Ngoại ngữ dự kiến sẽ được nhận điểm tối đa môn Ngoại ngữ khi xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, điểm quy đổi này chỉ được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Trước câu hỏi của phóng viên Báo ANTĐ về việc tại sao chứng chỉ này chỉ được công nhận trong xét tốt nghiệp THPT mà không được sử dụng trong xét tuyển ĐH, CĐ, ông Mai Văn Trinh chưa giải thích rõ và chỉ cho biết: “Theo quy định mới để xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia trong tuyển sinh thì thí sinh bắt buộc phải dự thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia. Hiện tại, công tác tuyển sinh do các trường ĐH, CĐ tự chịu trách nhiệm và tự quyết định hình thức xét tuyển chứ không phải Bộ GD-ĐT”.

Điểm ưu tiên tăng vọt

Điểm khiến nhiều người băn khoăn trong dự thảo quy chế thi lần này là việc đưa ra thang điểm 20 thay vì thang điểm 10 truyền thống. Ông Mai Văn Trinh cho biết: “Kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Để đạt được mục đích nói trên thì yêu cầu phân hóa trình độ của thí sinh được phản ánh qua kết quả các môn thi trong kỳ thi phải được đặt ra ở mức độ cao hơn so với các kỳ thi riêng biệt như những năm trước. Do vậy, việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ”.

Việc áp dụng thang điểm 20 cũng khiến cho các mức điểm ưu tiên tăng lên gấp đôi. Học sinh đoạt giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sẽ được tính 4,0 điểm. Điểm khuyến khích dành cho chứng chỉ nghề tối đa lên tới 3 điểm. 

Mặc dù, dự thảo quy chế lần này có quy định về việc tổ chức thành các cụm thi, tuy nhiên Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chưa đưa ra phương án cụ thể về số lượng, cách thức tổ chức các cụm thi này. Con số ước tính được đưa ra là 34-35 cụm thi và vẫn đang được khảo sát thực tế trước khi quyết định giao cho trường đại học nào chủ trì . “Việc hoàn thiện quy chế rất cần ý kiến góp ý, phản biện có trách nhiệm. Theo đó, kể từ ngày công bố dự thảo, Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe ý kiến của xã hội với thời hạn là 45 ngày” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết. 

85% sinh viên có việc làm nhờ đào tạo định hướng nghề nghiệp

Ngày 18-12, đánh giá về chương trình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, ông Bùi Anh Tuấn-Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT cho biết, đến nay đã có 2.200 sinh viên tốt nghiệp theo chương trình này. Chất lượng và giá trị của chương trình đã được sinh viên, trường ĐH, nhà tuyển dụng công nhận rộng rãi. Thống kê cho thấy, có tới 85% sinh viên có việc làm trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp. Trong đó, sinh viên làm việc đúng ngành học cũng chiếm tỉ lệ cao. Dự án giáo dục ĐH theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam sẽ tiếp tục được triển khai nhằm mục tiêu đổi mới giáo dục ĐH hiện nay.