Tính mạng “cụ” Rùa hồ Đồng Mô bị đe dọa
(ANTĐ) - Người Hà Nội nhiều năm nay chỉ biết đến “cụ” Rùa ở hồ Hoàn Kiếm, có mấy ai biết tới cụ Rùa ở hồ Đồng Mô, với tuổi đời cũng ngang ngửa “cụ” ở Hoàn Kiếm và theo nghiên cứu khoa học thì 2 cá thể rùa này đều là loài hiếm có và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hiện trên thế giới chỉ còn 4 cá thể.
Rùa nổi tại hồ Đồng Mô Ảnh: Nguyễn Xuân Thuận |
Cách đây 2 năm, khi đập hồ Đồng Mô bị vỡ, cụ Rùa đã bị mắc lưới của các ngư dân địa phương. May mắn thay, cụ Rùa đã được các nhân viên Trung tâm Bảo tồn rùa châu Á cứu thoát và trả lại với môi trường sống tự nhiên. Nhưng cũng nhờ sự kiện này mà chúng ta có được thông tin chắc chắn về sự tồn tại của 1 cá thể rùa hiếm tại đây dựa vào những đặc điểm bên ngoài về màu sắc, hình dạng, kích thước và mẫu ADN.
Anh Đoàn Văn Thịnh, nhân viên chuyên trách bảo vệ, nuôi trồng và khai thác thủy sản mặt hồ Đồng Mô, Công ty Đầu tư và phát triển du lịch làng văn hóa các dân tộc Việt Nam là người tận mắt chứng kiến cụ Rùa nổi lên nhiều lần cho biết: “Ngày 12 tháng Giêng Âm lịch là lần gần nhất cụ nổi lên, rất gần với thời gian người dân chứng kiến rùa nổi ở hồ Hoàn Kiếm.
Diện tích mặt nước hồ trước đây là 1.350 ha, giờ chỉ còn vẻn vẹn hơn 100 ha, mực nước từ 22m rút xuống còn 14,2 m. Mỗi ngày nước hồ xả ra phục vụ nông nghiệp khiến nước đứng giảm xuống gần 20cm. Đây là mực nước đáng báo động vì nếu mức nước rút xuống 13m sẽ là nước chết, không thể lưu thông được nữa”.
Anh Thịnh đã cùng chúng tôi đi ra con đập, nơi có những cột mốc đo mực nước. Có thể thấy, nước đã rút xuống quá nhiều khiến cho lòng hồ chỉ còn trơ đất, sỏi và đá. Cũng theo quan sát của anh và người dân thường xuyên có mặt ở đây, dựa vào vị trí nhìn thấy rùa nổi, tính toán theo tốc độ di chuyển và địa bàn sinh sống của rùa, người ta phỏng đoán rằng phải có tới 3-4 cá thể rùa trong khu vực hồ Đồng Mô.
Theo ông Hà Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, nước hồ Đồng Mô vừa đóng vai trò cung cấp nước phục vụ nông nghiệp, vừa để nuôi trồng thủy sản, mặt khác cũng phục vụ du lịch Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ông cho biết trong vài năm trở lại đây đã phát hiện trên địa bàn có giống rùa quý hiếm được các nhà khoa học trên thế giới đánh giá cao.
Về việc bảo vệ rùa, hiện tại địa phương cũng đã có biện pháp tuyên truyền cho người dân và mỗi cán bộ hiểu và quý trọng giá trị của loài này. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm thế nào để vừa bảo vệ được cụ rùa, vừa kết hợp nuôi trồng thủy sản mà người dân vẫn có đủ nước để phục vụ tưới tiêu và kết hợp với du lịch. Theo đại diện UBND xã Sơn Tây thì rất cần có những cuộc hội thảo lớn cấp Nhà nước, giữa các nhà khoa học nghiên cứu bảo tồn rùa, với chính quyền địa phương và đại diện ngành nông nghiệp.
Trên thực tế, Chính phủ đã có chủ trương làm sống lại dòng sông Tích (Tích Giang bắt nguồn từ Ba Vì, chảy qua một số địa danh thuộc Hà Tây cũ), cải tạo sông Tích, đấu nối để lấy nước sông Đà phục vụ tưới tiêu, phần nào giảm bớt gánh nặng cho hồ Đồng Mô. Tuy vậy chủ trương này trước mắt chưa được thực hiện.
Chúng tôi cũng có cơ hội gặp gỡ với nhân viên Trung tâm Bảo tồn rùa châu Á, những người đã trực tiếp tham gia vào nhiệm vụ “giải cứu” cụ rùa 2 năm trước đây. Theo quan sát của anh Nguyễn Văn Trọng - cán bộ nghiên cứu thực địa thì được biết có đến 3 con rùa tại hồ Đồng Mô. Con rùa chúng tôi thả là 68kg, còn những con khác khoảng 40-50kg. Hiện tại chỉ có thể khẳng định có ít nhất một con.
Trong khi đó, anh Phạm Văn Thông, chuyên nghiên cứu về loài vật này cho biết, nước Đồng Mô là môi trường khá tốt cho rùa sinh trưởng và phát triển. Từ năm 2006 tới nay chúng tôi đang tiến hành Dự án bảo tồn rùa Đồng Mô.
Trước hết xác định thêm số lượng cá thể và giới tính, sau đó tạo nên những bãi cát đẻ trứng, ghép đôi sinh sản, tạo cơ hội cho rùa sinh sản tự nhiên để duy trì nòi giống chứ 1 cá thể thôi thì không thể có giá trị bảo tồn. Vì loài rùa có kích thước lớn nên mực nước cũng phải có độ sâu và điều kiện thức ăn, môi trường phù hợp. Loài rùa có 3 đặc tính: đẻ trứng, thở bằng phổi và là động vật biến nhiệt.
Do vậy, bắt buộc chúng phải nổi lên mặt nước để cân bằng lượng nhiệt và lấy oxy. Cán bộ chúng tôi có lần đã ghi lại rùa nổi 22 lần/ngày. Theo người dân đánh cá đã quan sát, có chắc chắn hơn 1 cá thể tại hồ. Có con kích thước hơn 1 tạ, có con 70kg, có con chỉ 30kg. Do vậy hiện rất cần có môi trường sống ổn định cho rùa sinh trưởng và phát triển.
Trang Lê