Tinh giản - hiệu quả

(ANTĐ) - Chính phủ mới sẽ có bao nhiêu Bộ? Bộ nào sẽ sáp nhập, Bộ nào sẽ không còn tồn tại, ai sẽ làm Bộ trưởng? Công cuộc cải tổ bộ máy Chính phủ như thế nào để có một Chính phủ đủ mạnh đưa đất nước hội nhập quốc tế, sớm thoát ra khỏi “vùng trũng”? Hàng triệu người dân đang hướng về kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khóa XII với mối quan tâm sâu sắc những vấn đề cực kỳ quan trọng đó.

Tinh giản - hiệu quả

(ANTĐ) - Chính phủ mới sẽ có bao nhiêu Bộ? Bộ nào sẽ sáp nhập, Bộ nào sẽ không còn tồn tại, ai sẽ làm Bộ trưởng? Công cuộc cải tổ bộ máy Chính phủ như thế nào để có một Chính phủ đủ mạnh đưa đất nước hội nhập quốc tế, sớm thoát ra khỏi “vùng trũng”? Hàng triệu người dân đang hướng về kỳ họp thứ nhất - Quốc hội khóa XII với mối quan tâm sâu sắc những vấn đề cực kỳ quan trọng đó.

Trước năm 1999, nước ta có 49 Bộ và cơ quan ngang Bộ. Đến năm 2002 còn 39 Bộ, sau đó giảm xuống 26 Bộ. Lần này sẽ chỉ còn 22 Bộ. Giảm các cơ quan Bộ, dù chỉ là sáp nhập cũng là một sự lựa chọn dũng cảm, một quyết tâm mạnh mẽ.

Nếu việc nhập các Bộ thành Bộ “đa ngành, đa lĩnh vực” xuất phát từ yêu cầu công việc thì đó là việc cần phải làm. Việc giảm các Bộ sẽ tăng tính hiệu quả, hiệu năng của Chính phủ ra sao? Giảm các Bộ, nếu chỉ để giảm đầu mối mà không giảm những đầu việc lẽ ra Chính phủ không cần làm, tức là một đầu mối sẽ phải “ôm” nhiều việc hơn.

Như vậy, sớm hay muộn Bộ sẽ “hụt hơi” vì quá tải. Nếu bớt đi một số Bộ trưởng mà các Bộ vẫn “ôm” trụ sở, văn phòng, giữ đủ các vị Thứ trưởng, đặc biệt là vẫn duy trì cung cách can thiệp vào mọi mặt của đời sống kinh tế như cũ, thì cũng chỉ là kết quả một phép cộng gộp mà thôi. Phương án tinh giản, hợp nhất các Bộ chỉ mang lại hiệu quả khi mà doanh nghiệp Nhà nước giảm hẳn tỷ trọng và thay đổi cơ chế sở hữu.

Bộ máy Nhà nước phân định được chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp tách bạch rõ ràng. Nếu không, trách nhiệm, chức năng của một “Bộ ghép” khó có Bộ trưởng nào gánh vác xuể. Một khi Bộ được xác định chủ yếu là đảm nhiệm vai trò hoạch định chính sách, thì Chính phủ sẽ dễ dàng hơn khi sắp xếp lại “đội hình”! Bộ Phát triển công nghệ có thể chỉ huy tầm vĩ mô toàn bộ lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông.

Bộ Kinh tế toàn quyền hoạch định các chính sách đảm bảo được mối liên hệ từ khâu sản xuất đến phát triển thị trường. Để có được số Bộ tinh giản - hiệu quả, kinh nghiệm tổ chức bộ máy của nhiều nước tiên tiến trên thế giới, cho thấy, cơ cấu Quốc hội phải có các Hội đồng, ủy ban chức năng với nhiều phân ban mà các Bộ phải có trách nhiệm cung cấp thông tin, giải trình.

Đó là chưa kể các ủy ban điều tra, ủy ban hỗn hợp và nhiều ủy ban thành lập theo giai đoạn hoặc nhiệm vụ bất thường. Một cơ cấu Quốc hội như vậy, đủ khả năng, điều kiện để thông qua, ban hành các văn bản lập pháp bao quát mọi “ngõ ngách” đời sống xã hội cùng với một hệ thống tòa án phân cấp và phân định chuyên ngành.

Đây mới thực sự là mô hình tổ chức đủ đảm bảo pháp luật được thực thi như một công cụ quyền lực tối thượng điều hành toàn bộ xã hội kể cả hành xử của cơ quan hành pháp. Bộ máy Chính phủ muốn được cải tổ theo hướng tinh giản - hiệu quả, thì cơ cấu Quốc hội phải phục vụ cho mục đích đó, nếu không kết quả sẽ rất hạn chế.

Đan Thanh