"Tin giả" - thứ "dịch bệnh" đáng sợ trên mạng xã hội

ANTD.VN - Cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đang bước vào giai đoạn mới đầy cam go và phức tạp. Chính trong lúc cần sự chung sức đồng lòng, đoàn kết thành một khối vững chắc đẩy lui dịch bệnh nguy hiểm thì lại có những kẻ vô lương tung ra những thông tin thất thiệt, suy diễn trên mạng xã hội gây hoang mang, lo lắng.

Một đối tượng nữ bị phạt hành chính vì đưa thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 lên mạng xã hội 

Thông tin một cách thiếu trách nhiệm và vô đạo đức

Với quyết tâm cao độ “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị ở đất nước chúng ta đã vào cuộc chống dịch Covid-19 với những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt. Trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 này, chúng ta luôn chủ trương công khai, minh bạch thông tin bởi hiểu rất rõ rằng nếu “giấu dịch và giấu bệnh” là “tự sát”, và chính việc công khai, minh bạch thông tin đã góp phần vào việc chống dịch hiệu quả hơn.

Theo dõi tình hình chống dịch Covid-19 ngay từ khi dịch bệnh còn chưa xuất hiện tại nước ta cho tới khi có ca bệnh đầu tiên cũng như các ca bệnh tiếp theo, chúng ta luôn thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác và đầy đủ, tuyệt đối không có tình trạng giấu dịch, giấu bệnh. Thủ tướng Chính phủ đã sớm công bố dịch tại nước ta ngay sau khi có trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên, đồng thời luôn xuyên suốt quan điểm chỉ đạo “có thể hy sinh lợi ích kinh tế để chống dịch”.

Trong chỉ đạo mới nhất ngày 9-3, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải xử lý nghiêm trường hợp khai báo không trung thực hoặc không khai báo dịch bệnh theo pháp luật. Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Tư pháp và Bộ Y tế xem xét những trường hợp cụ thể để xử lý theo đúng pháp luật, cần có thái độ dứt khoát để răn đe chung những cá nhân vi phạm, không trung thực khai báo khi đã biết mình có bệnh.

Mọi thông tin về dịch bệnh đều minh bạch và công khai, song lại vẫn có những kẻ đưa những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng, thậm chí thất thiệt, bịa đặt lên mạng xã hội. Những thông tin vô trách nhiệm và vô đạo đức này đã gây ra những hoang mang, lo lắng trong lúc rất cần có sự bình tĩnh, tỉnh táo cũng như sự đồng thuận, ủng hộ chung của toàn xã hội, mỗi người dân với Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang bước sang giai đoạn mới đầy cam go, phức tạp do nước ta hiện đã hội nhập quốc tế sâu rộng, đi lại với nhiều loại hình phương tiện giao thông với rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vì thế nguồn lây nhiễm cũng rất đa dạng.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới và xuất hiện tại nước ta đến nay đã có rất nhiều thông tin thất thiệt, sai trái trên mạng xã hội. Việc lợi dụng dịch bệnh để tung các thông tin sai trái là nhằm để phục vụ những mục đích khác nhau, trong đó có những người đưa tin hay chia sẻ do thiếu hiểu biết, có những đối tượng là để “câu view”, “câu like”... 

Cũng có những đối tượng lợi dụng dịch bệnh để đưa những thông tin thổi phồng, sai lệch để trục lợi vật chất cá nhân… Đặc biệt, có những kẻ thù địch, chống đối, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã lợi dụng dịch Covid-19 để “tát nước theo mưa”, “ăn bám” dư luận, cố tình xuyên tạc, bịa đặt tình hình dịch bệnh để chống phá Đảng, Nhà nước ta. 

Cần chế tài mạnh tay, nghiêm khắc hơn để “trị… fake news”

Tất cả những đối tượng thông tin không chính xác, thất thiệt về dịch bệnh Covid-19 đều bị làm rõ mức độ vi phạm và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã xử lý hàng trăm đối tượng đưa tin sai sự thật về dịch Covid-19 lên các trang mạng xã hội.

Tuy nhiên, tình trạng thông tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 dù có giảm so với trước, song vẫn còn xảy ra. Bên cạnh những người thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, cũng có những đối tượng vẫn cố tình đưa lên do chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe mạnh mẽ bởi hầu hết các trường hợp thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 thời gian qua mới chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt vài triệu cho tới hơn 10 triệu đồng.

Chính phủ ngày 3-2-2020 đã ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 15-4-2020. Theo đó, mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội là từ 10 đến 20 triệu đồng.

Luật An ninh mạng với 7 Chương, 43 Điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, trong đó có điều khoản nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang cộng đồng, thiệt hại xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Những thông tin sai lệch, thất thiệt, thậm chí bịa đặt (thế giới thường gọi chung là “fake news”, tin giả) là một hiểm họa khôn lường trong nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 còn gam go, phức tạp hiện nay. Một vị bác sĩ tại một bệnh viện đầu ngành cả nước về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có dịch Covid-19, đã phải thốt lên rằng: “Chúng tôi quá kiệt sức vì “fake news”, “câu view” và những thứ gây sự như thế”. Không ít chuyên gia đã cho rằng “tin giả” là thứ dịch còn đáng sợ hơn cả virus Corona chủng mới gây dịch Covid-19. Đến mức, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải yêu cầu các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, trong đó có các công ty sở hữu các mạng xã hội lớn nhất toàn cầu, chung tay chống tin giả. 

Những thông tin sai lệch, thất thiết đang cản trở rất lớn nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc phòng, chống dịch Covid-19. Nhằm tránh sự phân tán, hoang mang, lo lắng không đáng có, thái quá làm ảnh hưởng tới việc chung sức đồng lòng chiến đấu chống dịch bệnh nguy hiểm, rõ ràng cần phải có biện pháp mạnh tay hơn, nghiêm khắc hơn với những đối tượng tung “tin giả” lên mạng xã hội, nếu cần thiết thì xử lý hình sự với các hành vi gây hậu quả nghiêm trọng. Có mạnh tay, có quyết liệt với nạn “tin giả”, chúng ra mới ngăn chặn hiệu quả được thứ “dịch bệnh” này trên mạng xã hội.