Tìm giải pháp căn cơ để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên Youtube, Google

ANTD.VN - Chiều nay (25-6), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT ) đã có buổi làm việc với các cơ quan liên quan nhằm chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới.

Tìm giải pháp căn cơ để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên Youtube, Google ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Google, Youtube tuân thủ pháp luật Việt Nam

Doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đang có sự chuyển đổi từ thế giới thực vào thế giới ảo. “Cuộc sống đi vào không gian mạng nhanh hơn còn pháp luật lại đi chậm hơn. Đang thiếu sự đồng bộ về chính sách, luật pháp, văn minh trên không gian mạng nên nảy sinh nhiều nguy cơ” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và khẳng định cần giữ cho không gian mạng lành mạnh, không ô nhiễm.

“Doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài đều phải tuân thủ luật pháp, thượng tôn pháp luật của nước sở tại”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Lâm- Cục trưởng Cục PT,TT&TTĐT cho biết, qua rà soát, Youtube đang có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc, vi phạm, chưa kể vi nội dung phản cảm chưa biết xếp được vào mục nào tồn tại. Trong khi đó, trong gần 2 năm, Bộ TT-TT đã gỡ bỏ gần 8.000 clip vi phạm.

“Youtube có phối hợp với chúng tôi để gỡ bỏ clip vi phạm, nhưng việc này mang tính chất thụ động. Khi mình thông báo, họ mới gỡ. Theo tính toán, cứ 1 phút trên thế giới có hơn 400.000 clip mới được up lên, Youtube chỉ gỡ link nhưng không gỡ toàn bộ kênh nên rất vất vả.

Đáng chú ý, theo thống kê, Việt Nam có số lượng Youtuber đăng tải nội dung kiếm tiền trên Youtube cao nhất trên thế giới”- ông Nguyễn Thanh Lâm thông tin.

Đại diện Cục PT,TH&TTĐT cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến những clip vi phạm được gắn vào các quảng cáo của doanh nghiệp nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn triệt để.

Đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao- Bộ Công an cho rằng, rất khó thống nhất với Google nội dung nào là xấu độc, vi phạm và không xóa được triệt để clip có thông tin xấu độc.

"Cần quản lý nội dung và người tạo ra nội dung. Đa số người tạo ra nội dung là người Việt Nam" - đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nói.

Doanh nghiệp chưa chủ động chặn clip xấu độc

Theo đại diện Công ty TNHH WPP, doanh nghiệp hiện chiếm hơn 50% thị phần quảng cáo media của Việt Nam, mặc dù đã tuân thủ quy định của pháp luật trong lĩnh vực này nhưng doanh nghiệp quảng cáo chỉ là đại lý của khách hàng, không được sở hữu hay kiểm soát, ngăn chặn video xấu.

“Chỉ khi có thông báo, xảy ra vụ việc chúng tôi mới làm việc với khách hàng và Youtube để chấm dứt quảng cáo. Rất khó để tiến hành việc rà soát này hàng ngày”- đại diện doanh nghiệp quảng cáo cho hay.

Ông Đào Văn Kính- Tổng giám đốc Công ty quảng cáo Đất Việt cho rằng, các đối tượng gắn clip xấu độc vào quảng cáo trên Youtube nhằm 2 mục đích. Một là kiếm tiền và 2 là nhằm vào mục đích khác nên cần phân loại để có giải pháp phù hợp. 

Theo ông Nguyễn Khánh Trình- Giám đốc CTCP quảng cáo thông minh (Clever- Ads), không ai muốn quảng cáo của mình xuất hiện trên những clip “rắc rối” như Khá bảnh hay Bà Tân Vlog... Nếu muốn quảng cáo sạch thì giá phải tăng gấp 3, thậm chí gấp 4-5 lần. Clever- Ads đã có bộ lọc quảng cáo xấu nên số doanh nghiệp quảng cáo bị dính quảng cáo xấu độc rất thấp.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Tân- Tổng giám đốc VCCorp cho hay, sở dĩ có clip xấu độc gắn vào quảng cáo trên các nhãn hàng vì doanh nghiệp Việt Nam chưa có thói quen trả tiền cao cho quảng cáo trên nội dung sạch.

“Phần lớn khách hàng quan tâm đến lượng người truy cập (views) thay vì quan tâm đến chất lượng views. Gần đây, mới có Samsung và một số doanh nghiệp khác mua dịch vụ an toàn thương hiệu và chấp nhận trả phí cao hơn khoảng 60% so với giá tiêu chuẩn”. Tuy vậy, tỷ lệ doanh nghiệp mua quảng cáo dạng này còn thấp.

Đề xuất giải pháp ngăn chặn người dùng Youtube kiếm tiền quảng cáo từ những video clip có nội dung xấu độc, ông Nguyễn Văn Phụng- Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn- Tổng cục Thuế cho rằng, có thể tái áp dụng cách thức thu thuế trước, hoàn thuế sau đối với Google và những người sáng tạo nội dung trên Youtube.

Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam, các nền tảng xuyên biên giới cần tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, các bộ, ngành Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý hoạt động này.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng yêu cầu phải thay đổi chất lượng views để có nội dung quảng cáo mới bởi muốn thay đổi bản chất phải thay đổi phép đo. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giao Cục PT,TH&TTĐT phối hợp đơn vị cụ thể triển khai cụ thể biện pháp giáo dục quản lý để có môi trường không gian mạng lành mạnh.

Youtube, Google phải tuân thủ pháp luật Việt Nam

"Tôi kêu gọi tinh thần thượng tôn pháp luật của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là sự thượng tôn pháp luật trên không gian mạng. Đây là điều kiện tiên quyết của bất kỳ doanh nghiệp tử tế nào.

Doanh nghiệp Việt Nam cần mang trong mình khát vọng hùng cường. Doanh nghiệp Việt Nam phải gương mẫu tuân thủ pháp luật Việt Nam để Việt Nam phát triển. Tôi cũng kêu gọi sự tuân thủ pháp luật của các nền tảng xuyên biên giới. Việt Nam không chào đón nền tảng vào đây làm ăn mà không tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng biện pháp kỹ thuật, kinh tế… để buộc các nền tảng này phải thực hiện. Các bạn càng kiếm được nhiều tiền thì phải có trách nhiệm lớn hơn; phải thấy có tội khi trả tiền cho video xấu độc, gây hại cho trẻ em Việt Nam" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.