“Tiêu hóa” vốn mạnh hơn

ANTĐ -Ngay từ đầu tháng 3, tín hiệu giảm lãi suất đã xuất hiện khi một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động đầu vào. Song, phải đợi đến nửa cuối tháng 3, khi các ngân hàng lớn có vốn Nhà nước nhập cuộc thì xu hướng giảm lãi suất huy động mới rõ rệt hơn. 

Ngay từ đầu tháng 3, tín hiệu giảm lãi suất đã xuất hiện khi một số ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động đầu vào. Song, phải đợi đến nửa cuối tháng 3, khi các ngân hàng lớn có vốn Nhà nước nhập cuộc thì xu hướng giảm lãi suất huy động mới rõ rệt hơn.

 Lãi suất đang được các ngân hàng điều chỉnh giảm, nhất là ở các kỳ ngắn hạn, được giới chuyên gia ngân hàng đánh giá là cơ hội để giảm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

So với thời điểm trước Tết Nguyên đán, lãi suất huy động kỳ ngắn hạn của nhiều ngân hàng đã giảm từ 0,1-0,5%/năm. Hiện tại, lãi suất huy động cho các kỳ hạn ngắn chỉ còn ở mức        4-4,5%/năm.

Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất cũng được điều chỉnh giảm khá nhanh ở các kỳ hạn 3 tháng, 9 tháng và dưới 12 tháng. Nhìn từ tín hiệu này, có thể khẳng định thanh khoản đang khá ổn định và dư dật.

Bằng chứng là số liệu đánh giá sơ bộ hệ thống ngân hàng cho thấy, tỷ lệ vốn cho vay đang chiếm khoảng 80%. Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất các kỳ ngắn hạn cũng chứng tỏ các ngân hàng đang hướng dòng vốn đầu vào đến các kỳ hạn dài, thay vì ngắn hạn dưới 6 tháng. 

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đồng tình cho rằng, động thái này cho thấy ngân hàng đang “nắm” các dòng vốn đầu vào.

 Trong khi các kỳ hạn dưới 6 tháng được các ngân hàng giảm mạnh xuống còn 4-4,5%, thì các kỳ hạn trên 6 tháng vẫn được duy trì khá cao từ 6,4-7,2%/năm. Với mức chênh lệch này, các ngân hàng sẽ khuyến khích người dân gửi kỳ hạn dài hơn. Chính sách điều hành lãi suất hiện nay đang tạo điều kiện cho các ngân hàng huy động được nguồn vốn dài hơn để cho vay trung và dài hạn.

 Đợt giảm lãi suất này chứng tỏ độ phục hồi của nền kinh tế đã rõ nét hơn, tạo điều kiện để ngành ngân hàng cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Với tốc độ tăng CPI của quý I, lãi suất huy động vẫn đảm bảo thực dương và người gửi tiền vẫn có lợi.

Dưới góc nhìn kinh tế, một số nhà nghiên cứu nhận định lãi suất huy động giảm sẽ giúp giảm lãi suất cho vay. Nếu lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh chỉ ở mức 5-6%/năm, thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn vay hơn. Với lần giảm lãi suất này, lãi suất cho vay sẽ giảm như thế nào? Trả lời câu hỏi này phải có độ trễ nhất định, ít nhất là 3 tháng.

Tất nhiên, ngân hàng không thể “cho vay bằng mọi giá” mà phải “trông giỏ bỏ thóc”. Vì vậy, trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp đang trong tình trạng “đói” vốn, vấn đề đặt ra là “tiêu hóa vốn” sao cho mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.