Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận:

Tiết kiệm 320 tỷ đồng nhờ đổi mới thi

ANTĐ - Trước rất nhiều lo ngại từ giáo viên, phụ huynh, học sinh về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH 2015, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, những thay đổi này sẽ giữ ổn định đến năm 2021. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ kinh phí cho học sinh dự thi xa nhà cũng được Bộ trưởng xác nhận.

Tiết kiệm 320 tỷ đồng nhờ đổi mới thi ảnh 1Hàng triệu thí sinh và phụ huynh vất vả đối phó với 2 kỳ thi lớn liên tiếp mỗi năm

Hoảng hốt vì quãng đường đi thi 

Rất nhiều băn khoăn, thắc mắc về đổi mới kỳ thi quốc gia sắp tới đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tiếp thu, giải thích trước khi chính thức ban hành quy chế thi, qua buổi trả lời trực tuyến trên VnExpress. Cụ thể, một giáo viên ở Lào Cai thắc mắc: “Học sinh của tôi, 100% các em thi tốt nghiệp THPT mà phải đi hàng trăm kilomet về thành phố dự thi. Chỉ nghĩ đến quãng đường ấy đã đủ làm các em phát sợ rồi. Vậy Bộ GD-ĐT có nghĩ đến sự lãng phí này hay chưa?”. 

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, những năm trước thí sinh phải thi 2 kỳ là tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, bây giờ chỉ phải đi 1 lần, tuy đi xa hơn lần thi tốt nghiệp nhưng gần hơn lần đi thi ĐH trước đây. Đối với các thí sinh chỉ thi để xét công nhận tốt nghiệp thì vì phải đi  xa hơn, nên “Bộ chủ trương không thu lệ phí thi. Chi phí phát sinh về di chuyển thì ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ. Các địa phương sẽ tổ chức đưa học sinh đến điểm thi an toàn, thuận lợi”. 

Về nguồn kinh phí hỗ trợ này, Bộ trưởng giải thích được lấy từ khoản tiết kiệm được do bỏ một kỳ thi. Được biết, kinh phí chi từ ngân sách bình quân là 400.000 đồng mỗi thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Mỗi năm có khoảng 1 triệu học sinh dự thi, ngân sách phải chi khoảng 400 tỷ đồng. Nhưng năm nay chỉ có khoảng 20% học sinh có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT mà không thi ĐH, CĐ, như vậy dự kiến giảm được khoảng 320 tỷ đồng. Một phần trong khoản tiết kiệm này sẽ được dùng để hỗ trợ học sinh chỉ thi tốt nghiệp.

Giải đáp thắc mắc về tính ổn định của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, theo quyết định của Quốc hội, chương trình sách giáo khoa mới sẽ được triển khai vào năm học 2018-2019. Số học sinh vào đại học của chương trình này nhanh nhất là năm 2021. Như vậy quy chế hiện nay sẽ ổn định đến năm 2021.

Lo tái diễn vụ “Đồi Ngô” 

Việc tổ chức các cụm thi để tránh tiêu cực đã được Bộ GD-ĐT xác định, tuy nhiên rất nhiều người băn khoăn về độ tin cậy và trung thực của kỳ thi THPT tổ chức tại các cụm địa phương. Về câu hỏi “làm thế nào để không có các “Đồi Ngô” như các kỳ thi trước?”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã kế thừa những tốt đẹp của kỳ thi 3 chung tuyển sinh ĐH, CĐ. Do vậy cũng sẽ hạn chế những tiêu cực như vụ Đồi Ngô”. Theo Bộ trưởng, phương án thi theo cụm đã được triển khai từ 13 năm nay tại Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh và gần đây là Hải Phòng. Năm nay mở rộng thêm các cụm thì Bộ đã làm việc với các trường, địa phương để có phương án đáp ứng yêu cầu minh bạch, nghiêm túc của kỳ thi quốc gia. 

Bên cạnh các thắc mắc về cách tổ chức kỳ thi, không ít phụ huynh chia sẻ về sự thay đổi của các kỳ thi này khiến những kế hoạch, định hướng của họ với con cái bị ảnh hưởng lớn, đặc biệt là về tâm lý. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, việc tốt nghiệp THPT 4 môn trong đó có 3 môn bắt buộc, 1 môn tự chọn không có gì thay đổi so với trước. Ngoài ra, thi để xét tuyển đại học vẫn là tổ hợp các khối thi, môn thi như cũ. Các trường có thể có thêm tổ hợp khối thi mới nhưng Bộ đã quy định chỉ tiêu để xét khối thi mới không vượt quá 25%. Đồng thời các nhà trường muốn bỏ khối thi truyền thống, thay khối thi mới phải thông báo trước ít nhất 3 năm, tức là khi học sinh vào lớp 10 đã biết để định hướng việc học tập. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã công bố địa chỉ email cá nhân pvluan@moet.edu.vn và địa chỉ của Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục là cucktkd@moet.edu.vn. Đây là một trong những kênh để Bộ lắng nghe phản ánh cũng như lấy ý kiến, góp ý của người dân trước các chủ trương lớn của ngành.