Tiếp tục tranh luận "nảy lửa" về quy định "luật sư tố giác thân chủ"

ANTD.VN - Sáng nay, 27-5, Quốc hội bố trí thêm một buổi để góp ý vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015. Một trong những nội dung được dư luận quan tâm nhất là quy định về việc luật sư phải tố giác thân chủ đối với một số tội danh đặc biệt nghiêm trọng vẫn tiếp tục gây tranh luận “nảy lửa”.

ĐB Đỗ Ngọc Thịnh băn khoăn nếu quy định luật sư phải có trách nhiệm tố giác thân chủ

Như ANTĐ đã đưa tin, ngày 24-5 vừa qua, Quốc hội dành trọn 1 ngày để thảo luật tại hội trường về dự án sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015. Trong đó, quy định tại khoản 3 điều 19 dự thảo bộ luật này về việc “người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác” có rất nhiều ý kiến trái chiều.

Tại buổi thảo luận sáng nay, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu quan điểm không đồng tình với quy định trên bởi trách nhiệm của luật sư là bào chữa cho thân chủ, điều này đã được luật định. ĐB Thịnh đặt vấn đề: “Nếu luật sư tố giác thân chủ phạm tội thì thân chủ đó có mời luật sư nữa không? Xã hội có tẩy chay nghề luật sư không? Luật sư chưa bảo vệ được thân chủ đã lại đi tố giác họ rồi thì không biết nghề luật sư có điều kiện tồn tại hay không?”.

Phản biện lại ý kiến này, ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho rằng, quy định tại khoản 3 điều 19 trong dự thảo luật là cần thiết bởi “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Hơn nữa, theo ĐB, luật này giới hạn chỉ tố giác tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, chứ không bắt buộc luật sư phải tố giác mọi tội phạm, như thế không ảnh hưởng đến hoạt động hành nghề của luật sư.

Không đồng tình với ý kiến ĐB Nguyễn Thái Học, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho biết, ở nhiều nước, luật không quy định việc luật sư phải tố giác thân chủ. Điểm nữa là chữ tố giác như trong dự luật viết lại rất rộng, nguy hiểm.

“Một ông đi tố giác ông hàng xóm, biết cái gì đi tố giác cái đó đã nguy hiểm; còn một ông luật sư đi tố giác chính người mình bào chữa, sau tòa xử không phạm tội, ông tố giác bậy thì làm sao?” - ĐB Nghĩa nêu quan điểm và đề nghị, nếu vẫn giữ như quy định trong dự luật thì phải quy định rõ điều kiện để luật sư có thể tố giác. Đó là phải biết rõ, có chứng cứ và nếu những hành vi đó nếu luật sư không tố giác sẽ dẫn đến nguy hiểm cho xã hội.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, “đúng là luật sư mà đi tố giác thân chủ thì không được. Nhưng cũng phải giới hạn tội nào thì anh không thể làm ngơ được” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, luật sư phải có trách nhiệm tố giác nếu phát hiện thân chủ của mình phạm các tội ảnh hưởng tới an ninh quốc gia,  gây nguy hiểm tới nhiều người dân vô tội…