Tiếp sức ngư dân giữa những ngày Biển Đông dậy sóng

ANTD.VN - Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi là một địa chỉ khá quen thuộc với Báo ANTĐ trong những chuyến công tác xã hội. Tuy nhiên, lần trở lại năm 2014 mang đến cho đoàn công tác một cảm xúc rất đặc biệt, khi nhân dân cả nước đang hướng về Lý Sơn, nơi mà giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm vào khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Được tới nơi tiền tiêu trên biển của Tổ quốc trong bối cảnh ấy, dường như lòng yêu nước, sự tự hào dân tộc với mỗi người dân Việt dâng cao hơn lúc nào hết.

Tiếp sức ngư dân giữa những ngày Biển Đông dậy sóng ảnh 1Đại tá Đào Lê Bình tặng quà quân, dân huyện đảo Lý Sơn

Món quà của triệu tấm lòng

Có lẽ chưa bao giờ, việc vận động ủng hộ đồng bào nơi tiền tiêu trên biển của Tổ quốc như huyện đảo Lý Sơn vào năm 2014 do Báo ANTĐ đứng ra tổ chức lại nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành từ nhà tài trợ đến thế. Thậm chí, trước ngày đoàn công tác lên đường, nhiều tấm lòng hảo tâm vẫn liên hệ với tòa soạn mong muốn được chia sẻ cùng quân, dân huyện đảo Lý Sơn. Các phần quà có tổng trị giá khoảng 10.000 lít dầu đươc trao tận tay ngư dân huyện đảo. Những tấm lòng ấm áp của đất liền càng cho thấy, biển đảo Tổ quốc luôn giữ một vị trí rất thiêng liêng, và khi đã chạm đến trái tim mỗi người dân Việt Nam, thì tất cả đều đồng tâm, đồng lòng. 

Người khởi xướng và cũng là người thực hiện ý tưởng thăm tặng quà ngư dân huyện đảo Lý Sơn năm 2014, chính là Đại tá Đào Lê Bình, lúc ấy đang là Tổng Biên tập Báo ANTĐ. Trao đổi  về chuyến công tác đặc biệt này, ông chia sẻ, trước sự kiện, năm 2014, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc thăm dò trái phép trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Ban Biên tập ANTĐ lúc bấy giờ đặc biệt quan tâm tới việc đấu tranh với hành vi sai trái này trên các phương tiện thông tin đại chúng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của tòa soạn trong thời điểm đó.

Một kế hoạch tuyên truyền về biển đảo được báo xây dựng chi tiết, tập trung nhiều phóng viên có kinh nghiệm, đồng thời thu hút được sự tham gia của các nhà chuyên môn, học giả uy tín trong, ngoài nước.  Và ngay sau đó, những loạt bài mang tính chiến đấu cao về biển đảo, nhất là Hoàng Sa, Trường Sa đã được Báo ANTĐ phản ánh với cách phân tích có chiều sâu, lập luận rất sắc sảo, giúp bạn đọc trong nước và quốc tế có cái nhìn toàn diện, trung thực về chủ quyền của Việt Nam. 

Tuy nhiên, với người đứng đầu tờ báo đầy cá tính và tâm huyết với nghề  như Đại tá Đào Lê Bình, thì những đóng góp trên các phương tiện truyền thông đại chúng của một cơ quan báo chí dường là chưa đủ, ông và Ban Biên tập Báo ANTĐ trăn trở, trong lúc tình yêu với biển đảo của nhân dân cả nước đang lên cao, Báo ANTĐ phải là cầu nối để nhân dân trong đất liền cùng chung tay, giúp sức cùng ngư dân và quân trên đảo thêm vững tâm  bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, chuyến công tác huyện đảo Lý Sơn vào thời điểm nóng bỏng được ANTĐ tổ chức. 

Đúng theo kế hoạch đề ra, sau 2 ngày di chuyển bằng ô tô từ Hà Nội, đoàn công tác của Báo ANTĐ đã có mặt tại huyện đảo Lý Sơn mang theo những phần quà thiết thực của các nhà tài trợ. Đón nhận những phần quà trị giá 10.000 lít dầu, đại diện các nghiệp đoàn nghề cá và ngư dân rất xúc động trước tình cảm của nhân dân trong đất liền. Họ hiểu rằng, trước những khó khăn, hiểm nguy, phía sau ngư dân luôn có triệu triệu người trên dải đất hình chữ S dõi theo ủng hộ, không chỉ bằng tinh thần, mà sẵn sàng tiếp sức ngay cả nơi đầu sóng ngọn gió.

Những cột mốc “sống” trên biển

Đến Lý Sơn không thể không ghé thăm Bảo tàng Hải đội Hoàng Sa kiêm quan Bắc Hải, Lăng cá Voi cùng quần thể cổ hàng trăm năm tuổi. Bởi, đây là những di tích lịch sử khẳng định về chủ quyền biển đảo Tổ quốc của ông cha ngay từ thời xa xưa. 

Dẫn đoàn công tác Báo ANTĐ đi thực tế một vòng huyện đảo Lý Sơn, ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện, địa phương có hai nghiệp đoàn nghề cá An Hải và An Vĩnh với trên 400 tàu thuyền các loại. Những năm qua, trong khi đánh bắt cá trên biển, ngư dân bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá gây thiệt hại nghiêm trọng, nhưng ngư dân vẫn kiên cường bám biển. Họ chính là những cột mốc “sống” trên biển, như một sự khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

Dưới cái nắng như thiêu như đốt của miền biển, các nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn vẫn đang tất bật chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Trò chuyện với các ngư dân, chúng tôi mới cảm nhận được sự can trường của họ trong những ngày “biển động” khi phải đối mặt với hiểm nguy giữa sự sống và cái chết. Những đôi tay thoăn thoắt đan sửa tấm lưới đánh cá vừa bị tàu Trung Quốc chặt phá… Những gương mặt sẫm màu nắng gió càng tô điểm thêm sự rắn giỏi, đầy nghị lực quyết tâm gắn bó với nghề truyền thống của các ngư dân. 

Kể về những lần bị tàu Trung Quốc tấn công đánh đập, bắt giữ khi đang đánh bắt cá ở ngư trường truyền thống, ông Lê Khởi – Nghiệp đoàn nghề cá An Hải nhớ lại chuyến ra khơi hiểm nguy: “Bữa đó, tàu QNg 96697 TS của tôi đang đánh cá ở ngư trường Hoàng Sa thì bất ngờ tàu Trung Quốc xuất hiện, ngay lập tức chúng hung hăng rượt đuổi đập phá tài sản, hành hung không cho liên hệ về đất liền. Không dừng lại đó, nhóm người này còn bắt giữ tôi cùng một số ngư dân khác.  Phải mấy tháng sau tôi và các ngư dân mới được thả cho về. Những việc như thế này diễn ra thường xuyên, nhưng chúng tôi không lo sợ mà càng quyết tâm bám biển”.

Tuy mới  ngoài 40 tuổi nhưng anh Trần Trung Nga thuộc Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh đã có hơn 20 năm với nghề, anh chia sẻ: “Ra khơi đánh bắt cá là nghề của cha ông để lại, mình phải tiếp nối và giữ gìn, vì nó cũng là nghề mưu sinh của cả gia đình. Thời gian gần đây, việc ra khơi gặp nhiều khó khăn vì bị tàu Trung Quốc ngăn chặn, quấy phá nhưng  chúng tôi không sợ . vì chúng tôi không đơn độc”.

Có lẽ còn rất nhiều câu chuyện cảm động về ngư dân Lý Sơn kiên cường bám biển, giữ gìn ngư trường truyền thống, không ít những người đã nằm mãi dưới biển sâu làm nên một Hải đội Hoàng Sa huyền thoại. Và họ chính là những cột mốc “sống” trên biển để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.