Tiếp cận lịch sử qua cuộc thi Tìm hiểu lịch sử Nhà tù Hỏa Lò

ANTD.VN -Sáng 6-10, tại Hội trường - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, 98 Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy đã diễn ra chương trình “Thi Tìm hiểu lịch sử Nhà tù Hỏa Lò” nhân dịp kỷ niệm 63 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10-2017) do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp cùng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; Phòng 9 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an; Trung đoàn cảnh sát cơ động - Công an Thành phố Hà Nội tổ chức.

Tiếp cận lịch sử qua cuộc thi Tìm hiểu lịch sử Nhà tù Hỏa Lò ảnh 1

Các đội tham gia cuộc “Thi Tìm hiểu  lịch sử Nhà tù Hỏa Lò” 

Chương trình có sự tham dự của ông Trương Minh Tiến - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Đại úy Nguyễn Phi Hùng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó trưởng phòng Bảo vệ Trung ương Đảng và Quốc hội, Bộ Công an; Đại úy Đoàn Thùy Linh - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an Thành phố Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Các đội thi đã lần lượt trải qua 4 phần thi gồm: “Chào hỏi”, “Giải mã hình ảnh”, “Ai nhanh tay hơn” và “Tài năng”. Các phần thi hấp dẫn sẽ mở ra cho các bạn trẻ một cách tiếp cận mới về việc tìm hiểu lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, một địa chỉ đỏ trong việc giáo dục lòng yêu nước cho nhiều thế hệ người Việt Nam, điểm tham quan du lịch đặc biệt của Thủ đô Hà Nội.

Tiếp cận lịch sử qua cuộc thi Tìm hiểu lịch sử Nhà tù Hỏa Lò ảnh 2

Ông Huỳnh Đắc Hương - Trưởng Ban đại diện 15 Ban Liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày Thành phố Hà Nội trao giải Nhất cho đội Phòng Bảo vệ Trung ương Đảng và Quốc hội, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an.

Nhà tù Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng năm 1896, nơi từng giam giữ hàng ngàn chiến sĩ yêu nước, trong đó có 5 đồng chí từng giữ cương vị Tổng Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười. Trong nhà tù thực dân, dưới chế độ giam giữ hà khắc, sinh hoạt đọa đày, bị kẻ thù dùng nhiều hình thức đàn áp, nhưng các chiến sĩ luôn một lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân. Họ đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, thành nơi rèn luyện ý chí, tinh thần kiên trung và lòng yêu nước. Sau khi thoát khỏi nhà tù, nhiều đồng chí tiếp tục tham gia cách mạng, trở thành những cán bộ xuất sắc. Một lực lượng cán bộ không nhỏ đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng Thủ đô.