Tiếng nói của nhân dân kỳ vọng về Hội nghị Trung ương 6

ANTD.VN - LTS: Hôm nay 4-10, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII khai mạc tại Hà Nội. Đây là một sự kiện chính trị lớn được nhân dân và đảng viên cả nước dành sự quan tâm đặc biệt. Báo An ninh Thủ đô ghi nhận một số ý kiến của người dân về những kỳ vọng vào việc Trung ương Đảng "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bà Bùi Thị An, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Khoa học kỹ thuật Hà Nội: Cần tự phát hiện tiêu cực nội bộ nhiều hơn

“Trong giai đoạn vừa qua, bộ máy của Đảng đã không ngừng được củng cố thông qua việc thay đổi phương thức lãnh đạo phù hợp với tình hình mới và rà soát, sàng lọc, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, lãnh đạo không đủ tiêu chuẩn. Đặc biệt, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua có chuyển biến rất rõ nét.

Theo dõi qua báo chí vừa qua, nhân dân cả nước đều thấy vai trò nổi bật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đã vào cuộc và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm của không ít cán bộ cấp cao. Nhiều vụ việc liên quan đến cán bộ, công tác cán bộ gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin trong nhân dân ở các địa phương đã được cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, thể hiện quyết tâm không có “vùng cấm” trong phòng chống tham nhũng. 

Dường như chưa bao giờ sức lan tỏa trong công tác phòng chống tham nhũng lại mạnh như giai đoạn hiện nay. Tuy vậy, đa phần các vụ việc tham nhũng thời gian qua chỉ được phát hiện nhờ dư luận, báo chí hay có đơn tố cáo khiếu nại chứ ít khi tự phát hiện được trong nội bộ. Tôi hy vọng với sức lan tỏa lớn, tình trạng này sẽ được khắc phục trong thời gian tới”.

Đại tá Đỗ Ngọc Sơn, Cựu chiến binh phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội: Kỳ vọng vào quyết tâm chống tham nhũng

Được biết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII lần này sẽ bàn về nhiều nội dung quan trọng, là một cựu chiến binh, tôi kỳ vọng vào quyết tâm chống tham nhũng mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ đưa vào Nghị quyết của hội nghị này. 

Trước thời điểm diễn ra hội nghị, nhiều vụ việc tham nhũng điển hình đã được đưa ra xét xử hoặc đang trong giai đoạn tiếp tục điều tra. Kết quả này thể hiện sự quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, rốt ráo với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Quốc hội, Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tham mưu và của các cấp ủy, tổ chức Đảng, bộ, ngành, địa phương, nhất là sự nỗ lực rất cao của các cơ quan, đơn vị chức năng và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương cũng như địa phương; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và báo chí. 

Do đó, chúng tôi tin tưởng rằng với quyết tâm của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng chống tham nhũng, “căn bệnh” tồn tại lâu nay trong bộ máy quyền lực, một trong những nguyên nhân tạo ra sự trì trệ, làm giảm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, gây mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước sẽ có dấu hiệu “thuyên giảm”.

Ông Đào Huy Giám - Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF): Mong muốn loại bỏ những “hạt sạn” cản trở sự phát triển

“Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã có Nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân, lần này Hội nghị Trung ương 6 đặt vấn đề đi sâu vào các giải pháp để cụ thể hóa và đảm bảo tính thực tế, thực chất của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 là điểm rất tích cực. 

Trong 1 năm qua, Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành, tổ chức đã có những chủ trương, tác động quyết liệt, đôn đốc sát sao, kiểm điểm thực tiễn về việc triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5. Nhờ đó, Nghị quyết Trung ương 5 và các chủ trương của Chính phủ đã đến gần hơn với cơ sở, tạo động lực trong nhận thức của cán bộ và những người thực hiện chính sách; tạo được sự phấn khởi trong khu vực kinh tế tư nhân. 

Dù chưa toàn diện và còn đòi hỏi nỗ lực dài hạn nhưng kết quả đã được phản ánh trong việc xuất khẩu của Việt Nam năm nay tăng rất nhanh, đầu tư nước ngoài vào nhiều, chỉ số tăng trưởng kinh tế của quý III đạt mức 7,39%. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới vừa công bố cũng đã ghi nhận Việt Nam đã tăng 5 bậc về môi trường kinh doanh…  

Hiện nay, nhận thức về việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển đã có những bước phát triển. Phía cơ quan chính quyền, địa phương cũng có chuyển biến, nhưng năng lực của các bộ, ngành và các cơ quan trực tiếp tiếp dân thì phải nâng cao dần. 

Mặt khác, khu vực kinh tế tư nhân cũng mong muốn sớm phát hiện, loại bỏ những “hạt sạn” cản trở sự phát triển, đơn cử như việc HĐND TP Hải Phòng thông qua nghị quyết về thu phí cảng biển với mức thu rất cao đã được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh. Hy vọng, sau Hội nghị Trung ương 6, những hạt sạn như thế sẽ dần được lọc bỏ”.

Anh Phùng Minh, Công ty TNHH Nguồn Sống Việt (Hai Bà Trưng, Hà Nội): Tinh giản biên chế không thể né tránh “con ông cháu cha”

“Vấn đề tinh giản biên chế, cải cách, tinh gọn bộ máy đã được nhắc đến liên tục trong nhiều năm qua, cho thấy đây là vấn đề có tính cấp bách mà Đảng, Nhà nước quyết tâm thực hiện. Theo dõi trên báo chí gần đây, tôi được biết nhiều địa phương, bộ ngành đã tổ chức tốt việc sáp nhập các phòng ban để thu gọn đầu mối, bộ máy, sắp xếp lại vị trí việc làm để từ đó tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW. Chẳng hạn như thành phố Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đã tinh giản biên chế được gần 500 trường hợp, đó chắc chắn là một nỗ lực lớn.

Tuy vậy, bộ máy hành chính của chúng ta vẫn cồng kềnh, có tình trạng giảm ở trên nhưng dưới lại phình to, tinh giản biên chế chủ yếu vẫn là cán bộ sắp nghỉ hưu. Đâu đó còn tình trạng nể nang, né tránh trong việc tinh giản biên chế, tổ chức lại bộ máy. Đặc biệt ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng “cả họ làm quan”, rồi không ít cán bộ lãnh đạo địa phương bị phát hiện thiếu tiêu chuẩn hoặc có vi phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.

Tôi mong muốn tới đây, Trung ương tiếp tục chỉ đạo sát sao vấn đề này. Cùng với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cần kiên quyết loại khỏi được bộ máy những công chức không đủ tiêu chuẩn, không đáp ứng được yêu cầu công việc, kể cả là “con ông cháu cha”.

Bà Trần Thị Mai (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội): Không có “vùng cấm” trong xử lý tham nhũng

Điều khiến người dân vô cùng phấn khởi là từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả to lớn. Một số quan chức Nhà nước, quan chức các doanh nghiệp Nhà nước lần lượt bị kỷ luật, bị khởi tố, bắt giam hoặc bị kỷ luật tước hết các chức vụ.

Đặc biệt, trong đó có cả cán bộ cấp cao giữ những vị trí quan trọng trong cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp đã tham ô tham nhũng, với số tiền lớn trong thời gian dài. Do vậy, việc các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nghiêm những vụ việc này đã hạn chế được thiệt hại về vật chất, tiền của Nhà nước, lấy lại niềm tin của người dân. Điều đó cũng cho thấy quyết tâm của Đảng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có “vùng cấm”.

Niềm tin của nhân dân càng được nhân lên khi hàng loạt những vi phạm nhanh chóng được công khai như: Dấu hiệu vi phạm của một số cá nhân tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Xem xét, thi hành kỷ luật Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa; Vụ án tham nhũng liên quan đến đối tượng Trịnh Xuân Thanh hiện ra đầu thú; Vụ đại gia ngân hàng Trầm Bê bị bắt; Vụ án liên quan đến Ngân hàng  Đại Dương và khởi tố hàng loạt cán bộ Tập đoàn Dầu khí sai phạm… 

Tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật cũng được nêu cao trong quá trình giải quyết các vụ việc, được đông đảo nhân nhân đồng tình, ủng hộ.