Tiền vay phải trả, phải sử dụng thận trọng

ANTD.VN - Chiều nay 23-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 -2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019…

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, Đại biểu (ĐB) Ngọ Duy Hiểu, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, thể chế tuy có cải thiện nhưng vẫn còn gây khó dễ cho doanh nghiệp (DN) và cho người dân. Luật Đầu tư công, chúng ta rất tự hào về bước đột phá xây dựng thể chế trong đầu tư công nhưng cũng rất nhiều người kêu ca. Rất nhiều nơi xây dựng công trình kém trong khi đó thủ tục ra được công trình thì lại rất phức tạp.

Cần thể chế, nhưng không cần cách dễ dàng để thông qua một đạo luật hay sửa một Nghị định. Làm luật cần rất nâng cao năng lực dữ liệu tình huống, năng lực dự báo, nhưng không đơn giản, nên chất lượng luật còn hạn chế.

“Có nhiều chính sách ban hành mà chúng ta không thực hiện, không cẩn thận lại ban hành những chính sách làm mất niềm tin, các thế lực thù địch lợi dụng, khoét sâu mâu thuẫn. Chính sách có rồi mà không làm”, ĐB Ngọ Duy Hiểu nói.

Liên quan đến lĩnh vực đầu tư công trung hạn, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) bày tỏ băn khoăn, 3 năm kinh tế xã hội đạt nhiều kết quả tích cực và 3 năm là chặng đường không dài, nhưng đủ để chúng ta nhìn nhận được những tồn tại, vướng mắc đặt ra.

Điển hình như tính tập trung của việc phân bổ nguồn lực và chưa ở đâu có cách phân bổ như chúng ta, mỗi tỉnh có 1 dự án bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Vấn đề thứ hai cũng được ĐB Vũ Thị Lưu Mai đề cập đến là hiệu quả của nguồn lực ngân sách. Đối với nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đây là vốn đi vay, nhưng khi phân bổ, chúng ta chú trọng nhiều hơn ở cách chia tiền mà chưa giám sát được dự án, kiểm soát được tính hiệu quả.

Một vấn đề tiếp là chất lượng công trình dự án hiện nay cũng đang là vấn đề nổi cộm. Đại biểu Vũ Thị Lư Mai viện dẫn, gần đây nhất là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa đưa vào sử dụng đã hỏng. Lý giải việc này thì Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho rằng hỏng do mưa.

“Đó chỉ là 1 ví dụ, còn bao nhiêu công trình khác chúng ta không nhìn thấy như công trình thủy lợi, nạo vét lòng sông thì có những ý kiến cho rằng chúng ta đem tiền đổ xuống sông, xuống bể. Tiền đi vay thì thế hệ sau phải trả, nên phải sử dụng một cách hết sức thận trọng”, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.