Tiền “treo”, nhà vẫn thiếu

ANTĐ - Gói hỗ trợ tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng đã triển khai gần 2 năm nay, song tới thời điểm này mới chỉ giải ngân được hơn 20%. Mặc dù đã có 15 ngân hàng vào cuộc, nhưng mức giải ngân này là quá thấp, quá chậm nên chưa tạo được cơ hội cho người có thu nhập thấp thực hiện được mong ước có nhà ở để  “an cư, lạc nghiệp”. 

Vướng mắc hiện nay vẫn là không đủ nhà ở xã hội, thiếu các dự án nhà ở thương mại đủ tiêu chuẩn vay gói này. Trong khi đó, chính quyền địa phương khi xét chuyển đổi từ căn hộ lớn sang nhỏ, từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội còn quá ít vì gặp nhiều thủ tục nhiêu khê. Hiện, một số địa phương đang thực hiện mô hình nhà ở xã hội 100 triệu đồng. Mô hình này  được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho người thu nhập thấp tại các đô thị lớn, nơi dân cư đang khát khao có một mái ấm.

 Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại nếu làm không khéo sẽ biến thành khu “ổ chuột”. Kinh nghiệm của Singapore cho thấy, mấy chục năm trước, họ cũng phải chấp nhận ở chật, diện tích tối thiểu. Sau khi đất nước phát triển họ sẽ quy hoạch lại. Giai đoạn này nước ta còn nghèo, nguồn lực hạn hẹp, thu nhập của người dân còn thấp nên cho phép sản phẩm này ra đời. Nhưng các khu này phải kết nối giao thông thuận lợi, đảm bảo tiện ích đi kèm để tránh biến thành các khu tái định cư nhếch nhác, tạm bợ không ai muốn ở.

Về phía doanh nghiệp, vì sao họ ít mặn mà xây nhà ở xã hội? Một chủ tịch Hiệp hội bất động sản cho rằng, vì lợi nhuận của mỗi dự án thấp, chỉ 10% sau khi kiểm toán Nhà nước định giá dự án. Các chủ đầu tư nói rằng 10% là không đủ, bởi kiểm toán không thể cộng vào các khoản chi phí “không tên” khi chủ đầu tư bỏ ra làm dự án. Hơn thế, Nhà nước chưa hỗ trợ đầu tư các hạng mục hạ tầng công cộng của dự án đáp ứng nhu cầu của các khu vực nhà ở xã hội.

Thực tế cho thấy, số người lao động tiếp cận được gói tín dụng còn thấp vì hàng loạt trở ngại. Chẳng hạn như, thủ tục xác nhận tại địa phương về nhà ở, ngân hàng yêu cầu người dân phải chứng minh thu nhập, phải đóng bảo hiểm xã hội trên 1 năm... Để giải tỏa tình trạng tiền “treo”, thiếu nhà ở, tức là để giải ngân nhanh gói 30.000 tỷ đồng, nhiều chuyên gia bất động sản kiến nghị nên bỏ yêu cầu chứng minh điều kiện thu nhập, khả năng trả nợ của người vay. Bởi vì luật đã cho phép người thu nhập thấp khi mua nhà được thế chấp bất động sản hình thành trong tương lai. Cụ thể, một căn nhà ở xã hội giá 600 triệu đồng, người mua đóng trước 20% là 120 triệu đồng, vay 80% là 480 triệu đồng. Khoản vay này đã được bảo lãnh bằng chính căn hộ 600 triệu đồng.